1. Biệt danh Giáo sư vốn đã thuộc về Arsene Wenger, HLV kì cựu của Arsenal. Thật khó có ai có đủ "gan" để lấy đi cái "danh xưng" đầy hoa mĩ đó từ ông. Thế nhưng, cái biệt danh ấy có thể sẽ bị chia sẻ, và một lần nữa người "động chạm" đến Wenger lại là Mourinho, đại kình địch không đội trời chung của ông. Vậy Mourinho đã làm gì để được gọi là "Giáo sư"? Cứ từ từ. Bởi đó là câu chuyện cũng đặc biệt như tính cách của Mourinho.
Sau 5 năm, Chelsea mới trở lại vị thế thống trị Premier League. Trong suốt quãng thời gian đó, Chelsea trải qua 5 HLV, có nghĩa trung bình cứ mỗi năm họ có 1 vị thuyền trưởng. Nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì khi Chelsea chẳng vô địch Ngoại hạng Anh lần nào, với hình thù tẻ nhạt. Rồi ngày Mourinho trở lại, ông đã thay đổi đội bóng, thú vị hơn, màu sắc hơn và cũng lạ lẫm hơn. Nhiều người so sánh Chelsea lúc này với Chelsea ở nhiệm kì đầu mà Mourinho dẫn dắt (2004 đến 2007). Có vẻ như có sự tương đồng, nhưng thực tế lại không. Mourinho đã thay đổi, và sự thay đổi đó tạo ra một Chelsea vô địch.
Ngay khi trở về London dẫn dắt Chelsea, Mourinho đã "đổi" biệt danh của mình, từ "Người đặc biệt" thành "Người hạnh phúc". Bởi ông biết mình sẽ đạt được những gì ở lần trở lại này. Và trước khi nhận lời với ông chủ Abramovich, Mourinho cũng đã đưa ra những "yêu cầu" để thay đổi chính mình trong mối quan hệ và vai trò của mình ở đây.
Sự tính toán. Đó là tất cả hành trang mà Mourinho chuẩn bị khi quay lại Chelsea. Có thông tin từng tiết lộ rằng, Mourinho đã suy nghĩ cả tuần trước khi nhận lời Abramovich, và điều Mourinho tính toán cực kì cặn kẽ là vị thế của mình, khả năng của Chelsea và kế hoạch xây dựng đội bóng như thế nào.
Chính vì những toan tính đó, ông trở thành… Giáo sư. Bởi lẽ, Mourinho đã tiếp cận, sử dụng và nghiên cứu tất cả dựa trên các chỉ số thống kê. Ông mua nó bằng tiền của mình từ các hãng thống kê lớn (Sportdata, Opta…), phân tích chúng theo hệ thống của riêng mình và soạn thảo một "đề án" được viết ngắn gọn theo kiểu gạch đầu dòng trên văn bản word thông thường.
Có lẽ, Mourinho đã "rút kinh nghiệm" sâu sắc từ việc chuẩn bị quá kĩ lưỡng đề án phát triển và xây dựng CLB khi được Barca đề cập chuyện dẫn dắt Barca. Khi ấy, Mourinho đã trình diễn nội bộ dự án trên powerpoint, bằng những thứ triết lí, lập luận đầy phức tạp. Rốt cuộc, Barca chọn Pep Guardiola với chỉ một màn thuyết trình "chay" đơn giản, kéo dài chưa đầy 30 phút.
Những gì ông yêu cầu Abramovich trước khi mùa giải năm nay bắt đầu gồm: Bán Torres, và đặc biệt là David Luis (để lấy 50 triệu bảng), mang về bằng được Fabregas, Diego Costa, Courtois, đưa Terry trở lại đỉnh cao trong vai trò đội trưởng, và cùng với sự có mặt của Courtois là đưa thủ thành P.Cech lên ghế dự bị. Mọi yếu tố đó đều dựa trên những số liệu thống kê mà Mourinho mua. Thống kê, thông kê và thống kê. Mourinho bắt đầu tin vào những con số, và học tập cách tư duy từ con số, thậm chí là nghiên cứu nó như những thuật toán cao cấp.
Fabregas và Diego Costa, sản phẩm của Mourinho sau khi nghiên cứu con số.
2. Trong phòng làm việc của Mourinho, không có báo chí mà là bảng biểu tập luyện, phương thức tập luyện chi tiết, và cả những chỉ số cầu thủ được chọn lọc và cập nhật liên tục. Với những con số, Mourinho phải bỏ thời gian nhiều hơn, tập trung hơn, và ông làm việc bắt đầu từ 7 giờ sáng trong phòng, trước khi ra sân tập vào lúc 10h30 sáng. Kế hoạch tập của ông hôm đó cũng dựa vào những nghiên cứu mà ông chọn lọc từ những con số, những báo cáo chấn thương, thể trạng từng cầu thủ được đưa đến vào buổi sáng. Và như thế, Mourinho chẳng khác gì một nhà "số học".
Cũng chính những con số đã chỉ đường, vạch lối cho Mourinho trong suốt hành trình đến chức vô địch. Sau khi những con số thể hiện hiệu suất của Fabregas và Costa giúp ông có 2 mũi nhọn trong đội hình, thống kê lại cho Mourinho một đội hình chuẩn ngay từ đầu mùa giải. Những chỉ số mùa trước và những chỉ số của tân binh được kết hợp để tạo ra đội hình chính, và nó được giữ cho đến cuối mùa. Chelsea chính là CLB sử dụng ít cầu thủ nhất với chỉ 22 người.
Chelsea có tới 3 cầu thủ thi đấu đủ 35 vòng đấu gồm: hậu vệ Ivanovic, tiền vệ E.Hazard và đáng nói nhất là đội trưởng đã 34 tuổi J.Terry. Trong đó, Terry và Ivanovic không thiếu phút nào, Hazard thì bị thay ra ở 12 trận và chỉ "bỏ lỡ" có 41 phút trong suốt 35 vòng đấu đã qua.
Bên cạnh bộ ba này, Chelsea còn có 5 cầu thủ chơi trên 30 trận. Mourinho đã tính được hiệu suất hoạt động, kết hợp các bản báo cáo thể lực, sức bền từng cầu thủ, và bố trí họ nghỉ tập rất khoa học. Điều đó khiến Chelsea duy trì thể lực, lực lượng cho đến cuối mùa với rất ít chấn thương.
Đến đây, Mourinho không chỉ là "nhà số học" mà còn là Giáo sư y tế có hạng.
Chẳng những phân tích, nghiên cứu con số, Mourinho còn "học" được từ đó, tự điều chỉnh mình, thay đổi cả lối chơi, triết lí và cách chỉ đạo. Trước khi bước vào mùa giải, Mourinho đã hứa với ông chủ Abramovich rằng Chelsea sẽ chơi tấn công, đá đẹp hơn. Ông đã làm như thế ở 5 vòng đầu tiên. Chelsea thắng tới 4 và hòa 1 (trước Man City 1-1).
Thành tích rất tốt, nhất là khi họ ghi được tới 16 bàn. Nhưng vấn đề là Chelsea thủng lưới tới 7 bàn sau 5 trận đó. Rất không ổn. Mourinho đã nói như vậy sau 5 trận đầu mùa. Quyết định đầu tiên được ông đưa ra: tập trung xết lại hàng phòng ngự, đề cao hơn sự chắc chắn giữa sân. Từ đó, Chelsea chỉ có 1 trận ghi được 3 bàn (Aston Villas 3-0) cho đến tận tháng 12. Và tính từ vòng 6 đến tháng 1, sau 14 vòng Chelsea có 7 trận sạch lưới, chỉ lọt lưới 6 bàn (tức là còn ít hơn 5 vòng đầu) và 23 bàn thắng (có nghĩa chỉ nhiều hơn 5 vòng đầu 7 bàn).
Đó là sự thay đổi đầu tiên. Bài học thứ 2 mà Mourinho nghiên cứu ra là sau thất bại trước Newcastle (1-2) và đặc biệt là trận thua đáng hổ thẹn trước Tottenham trong ngày đầu tiên của năm 2015 (3-5). Đó là lúc Chelsea sa sút nhất, bị man City bắt kịp điểm số (chỉ đứng trên nhờ cái tên được xếp theo thứ tự bảng chữ cái). Thêm vào đó, Man Utd, Arsenal, Tottenham bắt đầu thăng tiến, Mourinho lại mất ngủ nghiên cứu và cho rằng, cứ đà này, Chelsea của ông có thể tuột dốc, thậm chí có thể bay khỏi top 4 như cách ông đã từng e sợ ở mùa giải năm ngoái. Vậy là Mourinho lại trở thành "Giáo sư", khi nghiên cứu lại toàn bộ hệ thống thi đấu, lấy các con số thông kê chuyên môn để lập luận. Ông cho rằng, vấn đề nằm ở… hàng công khi họ là đội tấn công và sút cầu môn nhiều nhất tại Premier League (sau 20 vòng, Chelsea tấn công 221 lần, sút cầu môn 147 lần). Khi ấy, khả năng phòng ngự suy giảm theo tỷ lệ mà chỉ có Mourinho biết. Lập tức, phương án lại được Mourinho đưa ra, tạo nên bước ngoặt quyết định cho Chelsea, nhất là khi đội quân của ông bị PSG loại khỏi tứ kết Champions League ngay trên sân nhà một cách đau đớn.
Mourinho gạt đi cam kết chơi đẹp, quay về với truyền thống phòng ngự phản công, chơi xù xì nhưng hiệu quả. Và kết cục là từ tháng 2 đến nay, Chelsea thắng 8/9 trận cách biệt 1 bàn (5 trận 1-0), chỉ có duy nhất 1 trận thắng cách biệt 2 bàn. Ngay cả trận quyết định thắng đội bóng yếu hơn nhiều là Crystal Palace để chính thức đăng quang, họ cũng chỉ ghi 1 bàn.
Sau 5 năm, Chelsea lại được đi trong "hàng rào danh dự" dành cho tân vương.
3. Không chỉ tính toán con số, Mourinho còn tính toán, nghiên cứu để… đối phó với cả Abramovich. Có thể thấy thời gian này, Abramovich không còn gây áp lực lên Mourinho như nhiệm kì đầu. Quan hệ của Mourinho với Abramovich đã trở lại tốt đẹp sau rạn nứt khiến ông ra đi năm 2008, nhưng lần trở về này, Mourinho đã có phần "lấn lướt" tỷ phú người Nga, khi chủ động đưa ra yêu cầu về những điều cần thiết để phục vụ ý đồ của ông. Và bằng chứng rõ nhất là lần đầu tiên Abramovich yêu cầu Mourinho… gia hạn hợp đồng. Kì lạ. Nhưng đó là sự thật. Rất có thể Mourinho sẽ kí và ở lại Chelsea đến tận 2019.
Có thể coi đó là "tấm bằng" chứng nhận cho một "nghiên cứu sinh" đã tốt nghiệp. Mourinho đã thay đổi mình, từ một "Người đặc biệt" thành "Người hạnh phúc" và giờ là "Giáo sư" như thế!
Mourinho "dị" ngay cả khi đã vô địch
Ban lãnh đạo Liverpool đã khẳng định rằng họ sẽ nghiêm túc thực hiện màn đón chào tân vô địch theo đúng "lễ nghĩa" Premier League, khi Chelsea có trận đấu đầu tiên trong tư thế nhà vô địch trên sân Stamford Bridge vào cuối tuần này. Theo đó, các cầu thủ Liverpool sẽ đứng thành hàng danh dự, vỗ tay chào đón các cầu thủ Chelsea ra sân.
Đây là thủ tục không được ghi trong luật, nhưng các CLB đều phải chấp hành, dù nhiều CLB không hề muốn. Cụ thể là mùa 2012/2013, cầu thủ Arsenal suýt không xếp hàng danh dự chào "tân vương" khi đó là Man Utd. Và khi xếp hàng, họ cũng tỏ ra khá miễn cưỡng.
Ý tưởng xếp hàng danh dự chào đón tân vô địch (ở trận kế tiếp khi một CLB chính thức đăng quang) xuất phát từ HLV Alex Ferguson của Man Utd từ năm 1991. Khi đó ông đã buộc cầu thủ của mình xếp hàng chào mừng… Arsenal mới đăng quang. Ông cho rằng đó là sự tôn trọng đối thủ, và cũng là chiêu khích tướng đối với cầu thủ của mình. Từ đó, tục lệ này được duy trì như một thứ văn hóa bóng đá Anh.
Tuy nhiên, khi nhận được lời khẳng định sẽ xếp hàng danh dự từ HLV B.Rodgers của Liverpool, bản tính "quái dị" của Mourinho lại trỗi dậy. Ông tuyên bố, Liverpool không cần làm vậy. Thậm chí, Mourinho còn nói ý rằng, đó chỉ là… giả tạo!