Gian nan chống vi phạm bản quyền âm nhạc

TP - Thời gian qua, tình trạng vi phạm tác quyền âm nhạc khá phổ biến tại Việt Nam, đỉnh điểm là vụ ca sỹ Noo Phước Thịnh bị nhà sản xuất nước ngoài kiện ra toà. Nhân vụ việc này, chúng tôi trao đổi với ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC).   
Ông Đinh Trung Cẩn

Hiện nay, vi phạm về tác quyền âm nhạc như hát không xin phép, trích ca khúc trái phép, tổ chức chương trình nhưng không trả bản quyền âm nhạc... vẫn diễn ra thường xuyên. VCPMC đã có hành động gì nhằm giải quyết tình trạng này?

Ông Đinh Trung Cẩn: Tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc hiện nay khá phổ biến, diễn ra ở nhiều lĩnh vực như biểu diễn, website, ứng dụng, nhà hàng, khách sạn,… với nhiều hình thức vi phạm khác nhau: Sử dụng tác phẩm không xin phép, sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến tác giả…

Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ khiến cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả trở nên tinh vi và phức tạp hơn. Vấn nạn vi phạm bản quyền không những gây thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền tác giả, gây bức xúc trong xã hội mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đã là thành viên của nhiều Điều ước quốc tế về bản quyền như Công ước Berne, Hiệp định Trips...

VCPMC đã hợp tác với nhiều tổ chức quyền tác giả quốc tế, bảo vệ tác quyền âm nhạc cho tổ chức, cá nhân

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả âm nhạc duy nhất tại Việt Nam, thành viên chính thức của tổ chức CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc) có sứ mệnh bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các chủ sở hữu quyền tác giả thành viên, VCPMC đã và đang quyết liệt trong công tác ngăn ngừa và xử lý tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc.

Cụ thể, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả âm nhạc nhằm tăng cường nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân. Từ đó, đảm bảo việc thực hiện các quy định quyền tác giả dần ổn định và đi vào nề nếp.

Chủ động phát hiện, cảnh báo các hành vi xâm phạm quyền tác giả để các chủ thể vi phạm điều chỉnh, khắc phục. Trong trường hợp vẫn cố tình vi phạm, VCPMC báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước để tiến hành xử lý vi phạm theo quy định, có những trường hợp VCPMC đã phải khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi cho tác giả thành viên. 

Bên cạnh đó, VCPMC tích cực tham gia kiến nghị, góp ý dự thảo nghị định, văn bản liên quan đến quyền tác giả, các chính sách pháp luật có ảnh hưởng đến hoạt động bảo hộ quyền tác giả để các văn bản này khi áp dụng vào thực tế phát huy hiệu quả tốt nhất.

Một trong những vấn đề nóng hiện nay là có những ca sỹ, nhạc sỹ có hành vi cóp nhặt, sao chép ca khúc nước ngoài. Việc này có vi phạm bản quyền hay không và giới hạn copy được quy định bao nhiêu để không vi phạm?

Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, việc kế thừa các tác phẩm đã tồn tại là một trong các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, những tác phẩm thực hiện việc kế thừa như vậy (tác phẩm phái sinh) phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ. Trong đó, tiêu chí quan trọng là tác phẩm phái sinh không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc (tham khảo Khoản 3 Điều 2 Công ước Berne và Khoản 2, Khoản 3 Điều 14 Luật SHTT). Như vậy, việc sao chép bất hợp pháp từ tác phẩm của người khác mà không phải do trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Như vậy nhiều trường hợp xâm phạm hiện nay tại Việt Nam là khá cụ thể. 

Trung tâm có xác định sẽ trợ giúp cho các đối tác nước ngoài về việc khởi kiện các vi phạm tác quyền tại VN hay không? Từ trước tới giờ trung tâm đã có vụ trợ giúp nào chưa?

Như đã nói ở trên, từ năm 2009 VCPMC là thành viên chính thức của tổ chức CISAC gồm 239 Hiệp hội của 123 quốc gia với trên 4 triệu tác giả. Vì vậy, VCPMC có quyền cũng như trách nhiệm bảo vệ đối với các tác phẩm âm nhạc nước ngoài thuộc thành viên bị xâm phạm trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả việc khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền. Trong thời gian qua, theo yêu cầu của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc các tổ chức quản lý quyền tác giả quốc tế, VCPMC cũng đã giải quyết nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm của các tác giả nước ngoài.

Xin cảm ơn ông.

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc hiện nay khá phổ biến, diễn ra ở nhiều lĩnh vực như biểu diễn, website, ứng dụng, nhà hàng, khách sạn,… với nhiều hình thức vi phạm khác nhau: Sử dụng tác phẩm không xin phép, sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến tác giả… Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ khiến cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả trở nên tinh vi và phức tạp hơn.