Tổng cục Môi trường cho biết, tháng 4 vừa qua, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội tạm dừng do giãn cách xã hội nên chất lượng không khí nhiều đô thị được cải thiện. Tuy nhiên tại thủ đô Hà Nội, giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM2,5 đã vượt giới hạn cho phép trong một số ngày.
Thống kê tỷ lệ AQI ngày các trạm tại Hà Nội cho thấy, số ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm tỉ lệ cao nhất trong tháng 4 với 43,6%, số ngày ở mức kém là 31,5%, mức xấu là 6,4% (gồm các ngày 8-9/4 và 28-29/4). Số ngày chất lượng không khí tốt chỉ chiếm 18,5%.
Đáng chú ý, tại các khu vực khác nhau, chất lượng không khí có khác biệt khá rõ. Trong khi tại trạm Phạm Văn Đồng có 6/30 ngày chất lượng không khí AQI ở mức xấu, 4/30 ngày chất lượng không khí ở mức tốt thì tại trạm Tây Mỗ không có ngày nào AQI ở mức xấu, 10/30 ngày chất lượng không khí ở mức tốt. Chất lượng không khí xấu tập trung nhiều tại các trục giao thông lớn, khu vực có công trình đang xây dựng.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Tổng cục Môi trường, từ tuần 2 tháng 4, mặc dù vẫn trong thời gian cách ly nhưng tại một số đô thị, trong đó có Hà Nội, lượng phương tiện tham gia giao thông đã tăng lên, cùng với đó là tác động của yếu tố thời tiết (không mưa, lặng gió, có sương mù) dẫn đến một số ngày có giá trị PM2,5 tăng khá cao.
Ðề xuất Bộ TNMT làm “trọng tài” về ô nhiễm không khí
Trước đó, một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội bằng công nghệ vệ tinh cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, nồng độ chất gây ô nhiễm NO2 thời kỳ giãn cách xã hội giảm ở nhiều vùng nhưng vẫn có nơi tăng lên. Cụ thể, Đông Bắc bộ giảm nhiều nhất (19%), tiếp đó là Tây Bắc bộ (16%), đồng bằng Sông Hồng (5%), Nam Trung bộ (12%), Đông Nam bộ (6%). Tuy nhiên, Tây Nguyên và ĐBSCL lại có xu thế tăng nhẹ 5%.
Lý giải vì sao Tây Nguyên, ĐBSCL lại có hàm lượng NO2 tăng trong thời kỳ giãn cách xã hội, bà Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trưởng nhóm nghiên cứu “COVID-19 và chất lượng không khí ở Việt Nam” của Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, ngoài những nguyên nhân nội tại như giao thông, công nghiệp, các vùng trên cả nước còn chịu tác động của ô nhiễm từ vùng lân cận. Ví dụ, thời điểm NO2 tăng ở Tây Nguyên, ĐBSCL có thể liên quan đến việc đốt nương làm rẫy bên Lào.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề ô nhiễm liên vùng, liên quốc gia cần phải được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.