Bỏ giải, ai xử?
Đến thời điểm này, vòng đấu thứ sáu đã diễn ra nhưng giải vô địch quốc gia vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng không tên dù có tuổi. Trước đó, VPF đặt tên giải là Super League và đã làm công văn xin phép hẳn hoi.
Nhưng sau hai tháng tồn tại dưới tên mới, bất ngờ tổng cục Thể dục thể thao cùng VFF yêu cầu đổi tên ngược trở lại thành V-League.
Việc đổi tên tạo nên một hệ luỵ: các trang chủ của giải đấu, các thông báo, các bảng quảng cáo phải thay đổi theo. Quan trọng hơn, VFF không thể trả lời được câu hỏi từ các đội bóng: đổi tên từ Super League mà họ đã đồng ý bằng văn bản về lại thành V-League thì được gì?
Nhưng điều đáng sợ không phải nằm ở điểm ấy mà ở chỗ, chỉ vì chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình suốt thời gian qua, VFF đã không chuyển giao quyền điều hành giải đấu cho VPF theo đúng lộ trình.
VFF đã có nghị quyết chuyển giao quyền tổ chức, quản lý cũng như khai thác thương quyền đối với giải đấu bóng đá do liên đoàn trước đây tổ chức nhưng việc chuyển giao quyền điều hành bị “dìm hàng”, bởi VFF hiểu rằng, một khi VPF nắm quyền điều hành thì họ có quyền can thiệp trực tiếp vào bản hợp đồng bán bản quyền truyền hình.
Thậm chí với thông tin từ các ông bầu, họ đã tính tới phương án các câu lạc bộ sẽ vì quyền lợi của mình hùn tiền để “thanh lý hợp đồng” với AVG.
Chính vì sự lằng nhằng này khiến cho giải vô địch quốc gia trên thực tế do VPF chi tiền, điều hành nhưng họ lại không có sự chính danh. Đó cũng là lý do mà hàng loạt điều liên quan đến giải ngân cho trọng tài và công tác điều hành bị ách lại.
Chưa hết, cũng vì VPF bị cho là “chưa có quyền” nên việc giải đấu có khả năng bị giải tán để đá lại từ đầu là hoàn toàn có thể, thậm chí chuyện các ông bầu không muốn đá nữa, bỏ ngang cũng chẳng biết phải xử thế nào bởi ai xử và xử ai?
Mà chuyện này đã được nhắc đến sau khi VFF cương quyết cho rằng, họ có toàn quyền trong việc ký hợp đồng bất chấp quyền lợi của các câu lạc bộ chứ nào phải chuyện đùa.
Trong khi VFF khẳng định, họ bán thương quyền cho AVG là vì bóng đá Việt Nam, họ làm đúng luật thì các quan chức VFF thản nhiên nhìn giải đấu quan trọng nhất của Việt Nam trong tình trạng bơ vơ. Những lời tuyên bố đó có liệu có đáng tin?
Cố nhưng đến bao giờ
Ở vòng đấu thứ sáu diễn ra vào thứ bảy ngày 18.2 và chủ nhật ngày 19.2, trên sân Vinh – Nghệ An trong trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An gặp Hoàng Anh Gia Lai, người ta đã thấy trọng tài Võ Quang Vinh và các đồng nghiệp có những trang thiết bị hỗ trợ đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Hỏi ra mới hay, suốt thời gian qua giới trọng tài luôn bị kiện cáo là bắt kém vì thiếu liên hệ với trọng tài biên, thậm chí là chửi nhau với cầu thủ. Ở thời mà VFF vừa “đá bóng vừa thổi còi”, trọng tài là vua và họ luôn được bảo vệ ngay cả khi dư luận phản ứng mạnh mẽ.
Nhưng ở mùa giải này, các trọng tài luôn bị xử lý nghiêm khắc. Đó là lý do mà Vinh chấp nhận bỏ ra gần 1.000 USD để sắm thiết bị hỗ trợ cho tổ trọng tài để “bắt cho chắc ăn”.
Thật ra ý tưởng mua sắm trang thiết bị cho trọng tài đã được đề xuất khi VPF thành lập, trước đó dưới thời VFF quản lý, ý định này cũng đã có nhưng đã không được duyệt vì “thiếu kinh phí” và “không cần thiết”.
Tuy nhiên vì tranh cãi giữa VFF – AVG và VPF diễn ra ngày một căng thẳng nên mọi thứ phải chờ, đó cũng là lý do các trọng tài đành “cố một chút” trong cuộc chơi của chính họ vì đam mê.
Nhiều câu lạc bộ cũng đang cố gắng theo khung thưởng mà VPF đề nghị là 500 triệu đồng cho một trận thắng để giúp giải đấu không bị loạn giá.
Nhưng trước tình hình VPF vẫn chưa chính danh, nhiều đội đã ngó lơ và treo thưởng đến cả tỉ đồng. Chẳng nói đâu xa, Hà Nội T&T, Navibank Sài Gòn, Ninh Bình... đã phá “nghị quyết” vì mục tiêu của riêng mình...
VPF đang cố điều hành giải đấu mà cả nước đều biết mình chưa được giao quyền. Trọng tài, cầu thủ, người hâm mộ cũng đang cố để giải đấu không bị ngắt quãng.
Cuộc đấu “bản quyền truyền hình” tạm thời đã có phán quyết, vậy thì thưa hai ông VPF và VFF, hai ông đã có thể vì cái chung mà giúp người hâm mộ biết rõ mình đang đi xem “cái quái gì”, sau một thời gian đến sân vì thói quen.
Tất Đạt
theo SGTT.VN