Trong phiên giao dịch cuối ngày 7/6, giá vàng thế giới quay đầu giảm đến 3%, xuống 2.304,54 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 2,8% xuống 2.325 USD.
Tuần qua, giá vàng giảm gần 1%, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Trong phiên giao dịch sáng 7/6, vàng giao ngay được rao bán với giá 2.377,13 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 7/6. Giá vàng thỏi tăng khoảng 2% trong tuần, chứng kiến mức tăng hàng tuần đầu tiên sau ba tuần.
Từ khi lập đỉnh ngày 20/5 với 2.449,89 USD/ounce USD/ounce, giá vàng giảm hơn 100 USD, chủ yếu do ảnh hưởng từ biên bản họp của Fed về chính sách cắt giảm lãi suất.
Bị cuốn vào dòng trượt giá của vàng, bạc giảm mạnh đến 6,6% xuống 29,25 USD/ounce, bạch kim giảm hơn 3,6% ở mức 967,05 USD và paladin mất 2,2% xuống 909,06 USD.
Tai Wong - chuyên gia về vàng bạc ở New York, Mỹ - dự báo giá vàng khó bật tăng do chịu "cú đấm kép" gồm báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ và chính sách gần đây của Trung Quốc.
Theo đó, giá vàng giảm sốc trong vòng chưa đầy 24 giờ do tác động từ dữ liệu mới của Mỹ. Báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến dập tắt kỳ vọng của giới đầu tư về việc Fed sớm cắt giảm lãi suất.
Báo cáo NFP của Bộ Lao động Mỹ gần đây cho thấy Mỹ tăng thêm 272.000 việc làm, con số tốt hơn so với dự kiến là 185.000 lao động. Dữ liệu này thúc đẩy đồng USD tăng giá, vàng thỏi bị ảnh hưởng.
Phillip Streible - chiến lược gia tại Blue Line Futures - cho biết thị trường vàng trải qua đợt thanh lý nhẹ vì dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phục hồi. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể trì hoãn đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm. Lãi suất cao làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lời.
Việc Trung Quốc tạm ngừng việc mua vàng thỏi vào tháng 5 tác động đến tâm lý của giới đầu tư và ảnh hưởng giá vàng. Các nhà phân tích tại TD Securites cho rằng tin tức mới về Trung Quốc khiến giá vàng giảm, nhưng việc tạm ngừng mua vàng có thể là bước đi ngắn hạn, chuẩn bị cho đợt trở lại mạnh mẽ.