>> Còn luẩn quẩn, nếu nông dân 'tự bơi'
Giá nhích lên nhưng còn thấp
Ông Võ Hoàng Thắng ở ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng (Thới Lai, Cần Thơ) làm 1,5 ha lúa giống 50404, thu hoạch 9 tấn, phơi khô quạt sạch mới bán được giá 3.400 đồng/kg. Ông Thắng phân trần: “Giá thành đã khoảng 3.000 đồng/kg, không lời được 30% như Chính phủ chỉ đạo đâu, nhưng ôm lúa trong nhà gần một tháng rồi, phải bán để trả nợ và chuẩn bị làm vụ mới”.
Ở tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Thạo làm 4,5ha lúa tại xã Long Tân (Ngã Năm) cho biết: “Ngày 19-7, lúa tươi chất lượng cao vừa tuốt bán tại chỗ cho thương lái là 3.200-3.300 đồng/kg, còn lúa khô bán được 3.600 đồng/kg. So với tuần trước, có nhích lên 200-300 đồng/kg. Với giá này, người trồng lúa hòa vốn là may”.
Tại xã Thiện Mỹ (Châu Thành), ông Nguyễn Văn Kháng làm 1,3ha lúa cho biết: “Lúa tươi chất lượng thấp bán giá 2.750-2.900 đồng/kg; còn lúa khô với bán giá 3.750 đồng/kg. Giá này so với tuần trước nhích hơn khoảng 400 đồng/kg, người trồng 1 ha lúa lời được khoảng 6 triệu đồng”.
Ở tỉnh An Giang, bà Nguyễn Thị Hương làm lúa tại thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) cho biết: “Giá lúa khô, giống 50404 chỉ có giá 3.000 – 3.200 đồng/kg và rất khó bán”. Ông Võ Văn Bé, nông dân ở xã Khánh An (An Phú) cũng cho biết tình hình tương tự. Với lúa chất lượng thấp, còn lúa chất lượng cao có giá 3.900 đồng/kg và dễ bán. Giá lúa này tương đương với giá lúa ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).
Còn tại tỉnh Vĩnh Long, ngày 19-7, bà con ở ấp Bình Ninh, xã Ngãi Tứ trong ấp bán được lúa chất lượng cao với giá 4.000 – 4.100 đồng/kg. Lúa thơm chất lượng cao bán giá 4.500 đồng/kg.
Doanh nghiệp còn băn khoăn
Ở TP Cần Thơ, Sở NN&PTNT cho biết, vụ hè thu còn tồn lúa hàng hóa. Thành phố đã phân bổ chỉ tiêu cho 9 đơn vị mua lúa tạm trữ quy gạo 95.000 tấn. Nhiều đơn vị kinh doanh lúa gạo ở Cần Thơ cho biết, họ sẽ đẩy mạnh việc mua theo chủ trương tạm trữ, tuy nhiên vẫn phải qua thương lái hoặc các doanh nghiệp nhỏ, chứ không thể trực tiếp mua với nông dân.
Giám đốc Cty Lương thực Sông Hậu - Lê Minh Trượng cho biết, Cty phải mua qua 40 thương lái và 25 chủ nhà máy xay xát. Cho nên, các doanh nghiệp công bố giá mua lúa từ 3.500 đồng/kg trở lên, nhưng phải qua hai, ba trung gian nên giá mua thực tế với nông dân là thấp hơn, càng ở vùng sâu vùng xa giá càng thấp. Một lý do các doanh nghiệp giải thích không thể mua giá cao hơn là lúa hè thu chất lượng thấp, tỷ lệ bạc bụng cao, trữ kho nhanh bị ẩm vàng.
Giám đốc Cty Cổ phần MeKong - Lê Việt Hải còn băn khoăn việc hỗ trợ lãi suất mua lúa tạm trữ chỉ từ ngày 15-7 đến 15-11, nếu mua lúa vào tháng 10 hay tháng 11 thì không được hưởng sự hỗ trợ lãi suất 4 tháng như quy định.
Trong khi đó, lúa hè thu thường được thu hoạch kéo dài và việc mua lúa tạm trữ còn phải để lâu trong kho, nên ông Hải kiến nghị, Chính phủ xem xét cho các sản lượng tạm trữ được hưởng lãi suất đủ 4 tháng.
Cần sát thực tế
Các doanh nghiệp được giao chỉ tiêu mua lúa tạm trữ đều băn khoăn về chất lượng lúa hè thu. Nhưng thực sự chất lượng như thế nào thì không cơ quan quản lý nào trả lời cụ thể được. Lượng lúa tồn đọng trong dân cũng còn thiếu chính xác.
Chẳng hạn, Sở NN&PTNT và Sở Công thương TP Cần Thơ cho rằng, lúa hè thu vẫn còn đang tồn đọng trong dân. Trong lúc đó, lãnh đạo huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh cho biết, số lúa hè thu tồn đọng ở hai huyện đã là 179.000 tấn. Mà diện tích và sản lượng lúa hè thu ở hai huyện này chỉ chiếm một nửa sản lượng ở TP Cần Thơ.
Việc tổ chức mua lúa như thế nào để giá lúa cao đến được với nông dân còn là bài toán khó, bởi như Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Nguyễn Hữu Lợi nói, nhiều năm rồi chỉ lo giải quyết tình thế khi vào vụ thu hoạch mà chưa tính được căn cơ. “Nông dân rất khó khăn mà doanh nghiệp năm vừa rồi kinh doanh lúa gạo đều lời”, ông Lợi nói.
Sáng 19-7, PV Tiền Phong chứng kiến cuộc làm việc khá bất ngờ giữa GĐ Cty Lương thực Sông Hậu - Lê Minh Trượng và Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ - Nguyễn Minh Toại. Ông Trượng nói: “Chúng tôi không có khả năng mua lúa trực tiếp của nông dân”. Ông Toại đề xuất: “Huyện sẽ chọn những cơ sở kinh doanh lúa gạo ở khu vực còn tồn đọng lượng lúa lớn trong dân, và Cty đến đó tổ chức mua trực tiếp cho nông dân”.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hôm qua 19-7 cho biết giá lúa gạo đang ấm dần lên khi các địa phương tại ĐBSCL đồng loạt triển khai thu mua lúa, gạo tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, giá lúa và gạo nguyên liệu đều tăng nhẹ, ở mức 100-200 đồng/kg. Cụ thể, loại lúa khô, dài, thương lái đang thu mua vào với giá 3.600 - 3.700 đồng/kg, thậm chí lúa tốt bảo đảm chất lượng xuất khẩu còn được mua với giá 3.900 - 4.100 đồng/kg.
VFA cũng cho biết, kết quả thực hiện xuất khẩu gạo trong 16 ngày đầu tháng 7-2010 đạt 254.628 tấn, trị giá 103,905 triệu USD.