Trong xu thế phát triển toàn cầu, các công ty lớn sẽ tập trung vào những thị trường có tiềm năng tăng trưởng và kinh doanh đồng thời rút khỏi các thị trường không mang lại lợi nhuận hoặc lợi nhuận không đúng với kỳ vọng. Trong ngành ôtô, GM là ví dụ mới nhất khi dần rút khỏi thị trường Đông Nam Á vốn đang trên đà tăng trưởng.
Theo Bangkok Post, GM thông báo sẽ ngừng bán các mẫu xe thương hiệu Chevrolet tại Thái Lan và bán lại nhà máy Rayong cho công ty Great Wall Motors (GWM) của Trung Quốc vào cuối năm nay. Trong khi đó, nhà sản xuất Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các khách hàng sở hữu xe Chevrolet với các dịch vụ hẫu mãi, bảo hành và sửa chữa ở hệ thống đại lý ủy quyền của mình.
Phát biểu về điều này, ông Andy Dunstan - chủ tịch phụ trách các thị trường, liên doanh và nhà phân phối chiến lược của GM cho biết: "Hiệu quả sử dụng nhà máy cùng dự báo doanh số nội địa và xuất khẩu thấp đã ảnh hưởng đáng kể đến việc kinh doanh".
GM tham gia vào thị trường Thái Lan từ tháng 1/2000, sau đó thành lập hai cơ sở sản xuất tại tỉnh Rayong - một nhà máy lắp ráp ôtô với công suất 180.000 chiếc mỗi năm và một nhà máy động cơ với công suất 120.000 chiếc, tổng mức đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD. Hiện tại, GM đang có tổng số 1.900 nhân viên làm việc ở Thái Lan, riêng các khu sản xuất là 1.200 người.
Trong khi đó, nhà sản xuất của Mỹ cũng đã rút khỏi Malaysia vào năm 2018. Theo chuyên trang Auto Industriya, nhà phân phối tại thị trường này ngừng bán các mẫu xe Chevrolet do doanh số quá thấp khiến họ không có lãi dể duy trì hoạt động kinh doanh.
Cuối năm ngoái, Chevrolet cũng thông báo hãng sẽ ngừng bán tại thị trường Indonesia kể từ tháng 3/2020 nhưng sẽ tiếp tục phục vụ các khách hàng đã mua xe của mình sau thời gian đó.
Chủ tịch của GM Đông Nam Á, ông Hector Villareal, cho biết:"GM đang thực hiện các hành động quyết liệt để tập trung vốn và nguồn lực. Quyết định khó khăn này [dừng bán ở Indonesia] phù hợp với chiến lược toàn cầu của GM, nhằm tập trung vào các thị trường có khả năng phát triển lợi nhuận bền vững".
Theo thống kê từ tháng 1-9/2019, GM chỉ bán được 970 chiếc tại "đất nước vạn đảo", giảm 48,6% so với cùng kỳ năm 2019, và chỉ chiếm 0,1% thị phần ở thị trường Indonesia màu mỡ.
Tại Việt Nam, vào giữa năm 2018, nhà sản xuất của Mỹ đã chuyển giao hệ thống đại lý uỷ quyền của thương hiệu Chevrolet và nhượng toàn bộ nhà máy GM ở Hà Nội cho công ty ôtô non trẻ VinFast. Trước đó, doanh số xe Chevrolet ở thị trường nước ta cũng khá tốt với 10.576 chiếc bán ra trong năm 2017 và 12.334 chiếc năm 2018. Tuy nhiên, sau khi VinFast tiếp quản, số lượng xe hãng bán được chỉ còn 2.657 chiếc năm 2019, giảm 78%.
Sau quyết định này, VinFast đã loại bỏ hoàn toàn các ôtô lắp ráp mang thương hiệu Chevrolet tại Việt Nam và chỉ phân phối hai mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan: Colorado và Traiblazer. Tuy nhiên, với việc nhà máy sản xuất bị bán lại, không rõ tương lai của mẫu bán tải và SUV trên sẽ ra sao trong thời gian tới.
Với lý do tương tự các nước trên, nhiều đồn đoán cho rằng thị trường Philippines cũng sẽ sớm chia tay thương hiệu Chevrolet trong thời gian tới khi số lượng xe bán ra năm 2019 chỉ còn 3.125, giảm 22,2%; và kể từ khi đạt đỉnh với 8.046 trong năm 2014, doanh số của hãng liên tiếp giảm trong những năm sau đó.
Như vậy, GM gần như đã rút khỏi đa số các thị trường lớn ở khu vực Đông Nam Á chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây. Vấn đề chính của nhà sản xuất này vẫn ở việc doanh số thấp đi đáng kể tại đây trong khi tập đoàn mẹ đang cần tập trung vốn và nguồn lực dành cho những cuộc cạnh tranh ở những thị trường chắc chắn mang lại lợi nhuận hơn.