Gạo Trung Quốc nhiễm độc vì khai thác mỏ

Theo bản tin mới đây của tạp chí New Century, có đến 10% gạo được trồng ở miền Nam Trung Quốc bị nhiễm các kim loại nặng gây hại cho sức khỏe con người. Nguyên nhân chính được cho là do sự “tăng trưởng nóng” của nước này.
Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có điều tra về khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khi ăn gạo bị nhiễm độc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc, hoạt động như khai thác mỏ đã khiến đất đai bị nhiễm các chất hóa học như catmi, thạch tín, thủy ngân và các kim loại nặng gây hại khác.

Những kim loại nặng có hại này lan rộng qua không khí và nguồn nước, làm ô nhiễm một phần diện tích khá lớn của Trung Quốc.

New Century cũng trích dẫn nghiên cứu từ năm 2007, tập trung vào một số làng ở miền Nam Trung Quốc, gần các mỏ khai thác và các khu công nghiệp. Ở đây người dân bị đe dọa bởi nguy cơ về sức khỏe như là các bệnh về xương đã xuất hiện, hầu hết là ở những người già.

Pan Genxing, nhà khoa học thuộc ĐH Nông nghiệp Nanjing, một trong các người thực hiện nghiên cứu chính cho biết, phần trăm gạo bị nhiễm độc thậm chí còn cao hơn ở một số địa phương cụ thể. “Ở những khu vực mà đất bị nhiễm acid nặng, chúng tôi tìm thấy 60% mẫu gạo vượt mức catmi cho phép”.

Gạo là loại có khả năng hấp thu chất catmi mạnh nhất, khi chất này thường thấm qua nước dùng để tưới tiêu ở gần các mỏ khai thác, đặc biệt có chứa chì, kẽm và đồng.

Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn chưa có điều tra về khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khi ăn gạo bị nhiễm độc.

Vựa lúa chính của Trung Quốc nằm ở miền Nam, với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 200 triệu tấn.

Với chính sách công nghiệp hóa nhanh chóng trong vòng 30 năm qua, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng, lại thêm quản lý bảo vệ môi trường lỏng lẻo, nước này đã trở thành quốc gia bị ô nhiễm nước và không khí nặng nề nhất thế giới.

Theo Ca Thy
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Tổng hợp