Gạo lứt - Loại hạt toàn phần tốt nhất

TP- Đáp ứng nhu cầu của nhiều bạn đọc sau khi Tiền Phong đăng bài “Hạt toàn phần, khắc tinh bệnh nan y”, chúng tôi có bài phỏng vấn GS.TSKH Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội KHCN Lương thực Thực phẩm Việt Nam, về cơ sở khoa học của các nhận định trong bài báo trên.

Xin GS cho biết qua các bằng chứng khoa học chứng minh cho vai trò của hạt ngũ cốc toàn phần nói chung và gạo lứt nói riêng trong việc phòng chống và hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính?

Cơm gạo lứt muối mè giúp phòng ngừa, hạn chế bệnh tật

Anderson J.W. và cộng sự ở Mỹ đã nghiên cứu vai trò của hạt ngũ cốc toàn phần đối với các nguy cơ của bệnh tim mạch vốn là nguyên nhân chính gây tử vong ở phần lớn các nước phát triển và cũng đang thịnh hành và tăng nhanh ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tốc độ tử vong của bệnh tim mạch vượt con số một triệu người/năm ở Hoa Kỳ và cũng là bệnh có chi phí cao nhất, trên 120 tỷ USD/năm.

Các tác giả tổng kết một cách có hệ thống những công trình nghiên cứu suốt 20 năm qua trong việc đánh giá tác dụng của thực phẩm giàu chất xơ nói chung và hạt ngũ cốc toàn phần nói riêng và bệnh tim mạch. Thông qua công trình nghiên cứu này, họ đi đến các kết luận mang tính khuyến cáo như sau:

Cung cấp đều đặn thực phẩm hạt toàn phần làm giảm một phần tư nguy cơ bệnh tim mạch.

Thực phẩm hạt toàn phần làm giảm LDL - Cholesterol và triglyceride vốn là những tác nhân gây bệnh tim mạch.

Cùng với các hiệu quả thuận lợi và có ích đối với lipoprotein nhanh của huyết thanh sau bữa ăn, hạt toàn phần còn có tác dụng đối với một số rủi ro khác của bệnh tim mạch như cao huyết áp, tiểu đường và béo phì.

Các thực phẩm giàu chất xơ dễ tiêu hóa trong đó có rau, quả và hạt ngũ cốc toàn phần vốn giàu các nguồn vitamin, chất khoáng, các hợp chất hóa học thực vật, các chất kháng oxy hóa và những vi chất dinh dưỡng khác.

Các yếu tố quan trọng và thiết yếu này có thể góp phần một cách độc lập đối với hiệu quả phòng chống bệnh tim mạch của các thực phẩm giàu chất xơ, đặc biệt là các thực phẩm ngũ cốc toàn phần nói chung và gạo lứt nói riêng.

Ngăn ngừa tiểu đường type 2, béo phì, đột qụy

Tác giả Yangsoo Jang và cộng sự trong công trình nghiên cứu của mình mang tiêu đề: “Sự tiêu thụ hạt toàn phần (Whole grain) và bột các loại rau đã làm giảm nhu cầu về insulin, quá trình peroxid – hóa lipid và nồng độ homocysteine trong huyết tương ở các người mắc bệnh tim mạch” cũng có những kết luận tương tự.

Mục đích của công trình là tìm hiểu xem việc thay thế gạo tinh chế (refined rice), mà đại đa số nhân loại đang ăn, bằng hạt toàn phần của gạo, tức là gạo lứt, và những sản phẩm thực vật khác dưới dạng bột trong điều kiện có cùng độ calorie trong khẩu phần như nhau, có làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh nhồi máu cơ tim, bệnh tắc nghẽn động mạch vành hay không.

76 bệnh nhân nam được chọn ngẫu nhiên và chia thành hai nhóm, tiến hành trong 16 tuần. Nhóm thứ nhất hàng ngày ăn hạt toàn phần và nhóm thứ hai là đối chứng.

Người ta nhận thấy, trong nhóm thí nghiệm hàng ngày ăn hạt toàn phần, nồng độ glucose và insulin trong huyết thanh của họ giảm 24 và 14 phần trăm tương ứng mà không hề thay đổi thể trạng và năng lượng tiêu thụ, trong khi lượng tiêu thụ hàng ngày về chất xơ và vitamin E tăng lên đến 25 và 41 phần trăm tương ứng.

Với bệnh nhân nhồi máu cơ tim và tắc nghẽn động mạch vành không kèm theo bệnh tiểu đường, việc tiêu thụ hạt toàn phần và bột rau cũng giúp các mức glucose và insulin nhanh giảm. Còn với bệnh nhân nhồi máu cơ tim và tắc nghẽn động mạch vành có kèm theo bệnh tiểu đường, khi ăn hạt toàn phần, nồng độ glucose nhanh của họ cũng giảm.

Trong nhóm thí nghiệm ăn hạt toàn phần, nồng độ malondialdehyde và homocysteine của huyết tương và nồng độ 8-epi- prostaglandin F2n của nước tiểu giảm xuống gần bằng 28 phàn trăm.

Tương tự, các nồng độ của beta-carotene, retinol, tocopherol và lycopene, những chất có lợi cho sức khỏe, tăng từ 11 đến 40 phần trăm trong nhóm ăn hạt toàn phần.

Việc thay thế gạo tinh chế (gạo xát trắng) bằng hạt toàn phần và bột rau với  tư cách là nguồn glucid trong bữa ăn có tác dụng tích cực về nồng độ của glucose, của insulin và homocysteine cũng như sự peroxid-hóa lipid ở các bệnh nhân nhồi máu cơ tim, xơ cứng động mạch.

Các tác dụng này đều làm giảm một cách chắc chắn các yếu tố rủi ro đối với bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường.

Giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim

Majken K.Jensen và cộng sự tiến hành nghiên cứu mối liên quan giữa các khẩu phần dinh dưỡng hạt toàn phần, cám, phôi và nguy cơ của bệnh nhồi máu cơ tim ở đàn ông nhằm mục đích đánh giá tác dụng của khẩu phần dinh dưỡng gồm hạt toàn phần, cám và phôi.

Nghiên cứu này được tiến hành trên 42.850 đàn ông có độ tuổi từ 40-75 từ năm 1986 và không hề bị bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường. Trải qua 14 năm theo dõi liên tục và cẩn thận, các tác giả thống kê được 1.818 trường hợp nguy cơ của bệnh nhồi máu cơ tim.

Người ta kiểm tra các nguy cơ của bệnh nhồi máu cơ tim và khẩu phần thực phẩm có thêm cám và phôi, đồng thời nhận thấy rằng khẩu phần dinh dưỡng hạt toàn phần đã làm giảm các nguy cơ của bệnh nhồi máu cơ tim, rất có lợi trong việc phòng chống bệnh tim mạch, và cấu tử của cám trong hạt toàn phần có thể đóng vai trò chìa khóa trong vấn đề này.

Theo một nghiên cứu về dinh dưỡng tại Đại học Harvard trên 75.000 phụ nữ từ 38-63 tuổi, trong 10 năm, hệ số rủi ro của bệnh tim mạch giảm dần theo chiều tăng của nhóm tiêu thụ hạt toàn phần. Số liệu nghiên cứu cũng chứng tỏ rằng, có sự giảm 36 phần trăm rủi ro đối với bệnh đột qụy tim mạch ở nhóm phụ nữ tiêu thụ khoảng ba suất hạt toàn phần/ngày.

Công trình nghiên cứu khác cũng được tiến hành ở Harvard, trên 43.757 nam giới từ 45-70 tuổi, phát hiện hệ số rủi ro của chứng bệnh nhồi máu cơ tim thấp nhất ở nhóm tiêu thụ chất xơ cao nhất (28,9g/ngày) so sánh với những nam giới ở nhóm tiêu thụ ít chất xơ nhất (12,4g/ngày). Trong nghiên cứu này, chất xơ của ngũ cốc toàn phần là yếu tố tác động mạnh nhất đến sự giảm rủi ro của bệnh nhồi máu cơ tim.

Nghiên cứu trên 34.492 phụ nữ bang Lowa (Hoa Kỳ), từ 55-69 tuổi, cũng cho thấy hệ số rủi ro gây tử vong do bệnh tim mạch giảm cùng với việc tăng lượng sử dụng hạt toàn phần (hệ số rủi ro = 1; 0,96; 0,71; 0,64; 0,7 tương ứng với các nhóm tiêu thụ hạt toàn phần tăng dần).

Việc tiêu thụ hạt toàn phần cũng làm giảm khả năng mắc bệnh tiểu đường. Trong công trình nghiên cứu về sức khỏe của phụ nữ ở bang Lowa, người ta nhận thấy phụ nữ ở nhóm tiêu thụ hạt toàn phần cao nhất, mức độ rủi ro đối với bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn 22 phần trăm.

Còn nghiên cứu về sức khỏe của phụ nữ ở Harvard chứng tỏ ăn hạt toàn phần ba suất/ngày làm giảm 27 phần trăm rủi ro đối với bệnh tiểu đường type 2.

Đối với các bệnh ung thư thì thế nào, thưa GS?

Cần nhấn mạnh rằng mối liên quan giữa việc tiêu thụ hạt ngũ cốc toàn phần và bệnh ung thư cũng được ghi nhận khi phân tích kết quả của 40 nghiên cứu đối với 20 dạng ung thư và bệnh đại tràng. Người ta kết luận các đối tượng sử dụng hạt toàn phần có tỷ lệ mắc ung thư thấp hơn 21-43 phần trăm so với các đối tượng sử dụng ít hoặc không sử dụng hạt toàn phần.

Năm 1999, Cục quản lý Thực phẩm&Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn điều khoản sức khoẻ: “Các chế độ dinh dưỡng giàu thực phẩm hạt ngũ cốc toàn phần và những loại thực phẩm khác có nguồn gốc thực vật và hàm lượng chất béo tổng số, chất béo bão hoà cũng như hàm lượng cholesterol thấp đều có thể làm giảm nguy cơ của bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư”.

Cùng với các loại mì mạch, gạo lứt là một ngũ cốc toàn phần tốt nhất có lợi cho sức khoẻ về nhiều mặt. Gạo lứt là sản phẩm vô cùng quý giá mà tạo hóa ban tặng cho con người nhằm kiến tạo trạng thái cân bằng của các quá trình chuyển hóa - các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, làm cho cơ thể phát triển tốt và đẩy lùi mọi nguy cơ của bệnh tật. Gạo lứt giúp con người phòng ngừa, hạn chế rủi ro, bệnh tật, hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính như tai biến mạch máu não, huyết áp cao hoặc thấp, các bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, bệnh béo phì, một số bệnh ung thư và các bệnh viêm nhiễm khác, đồng thời làm chậm quá trình lão hóa trong cơ thể, làm giảm các nếp nhăn và làm cho làn da mịn màng, trẻ đẹp nhất là đối với nữ giới và nhiều tác dụng quý giá khác.

Cám ơn GS.

(thực hiện)