Hầu hết chết vì thiếu điều trị

Gần 6 triệu người Việt Nam bị suy thận

TP - Tại hội nghị Thận nhân tạo và chất lượng trong lọc máu diễn ra hôm qua 4/4 tại TPHCM, các bác sĩ cho biết gần sáu triệu dân Việt Nam đang gánh chịu căn bệnh này.

Tại hội nghị, Phó Giáo sư (PGS) Nguyễn Nguyên Khôi, Bệnh viện (BV) Bạch Mai Hà Nội cho biết: “Việt Nam đang có gần 80.000 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu. Tuy nhiên, mới có 10 phần trăm trong số đó được đáp ứng điều trị, 90 phần trăm còn lại đều tử vong”.

Tại Khoa Thận nội, BV Nhân dân 115 TPHCM hiện có 900 bệnh nhân điều trị bệnh này. Theo Bác sĩ (BS) Tạ Phương Dung- Trưởng Khoa Thận nội, “48 máy chạy thận nhân tạo của bệnh viện phải thường xuyên chạy hết công suất nhưng chưa đáp ứng hết yêu cầu điều trị.

Tại BV Chợ Rẫy TPHCM, tình trạng bệnh nhân mắc suy thận và phải chạy thận nhân tạo cũng ngày một tăng. Đại diện Khoa Tiết- Niệu, BV Chợ Rẫy, cho biết, ngoài số bệnh nhân suy thận thể nhẹ điều trị ngoại trú, các cơ sở của BV liên tục phục vụ hơn 700 bệnh nhân suy thận nặng. 

“Mỗi ngày BV Chợ Rẫy phải chạy thận nhân tạo trung bình hơn 200 bệnh nhân, chưa kể có tới 30-40 bệnh nhân suy thận phải cấp cứu/ngày”- đại diện Khoa Tiết- Niệu nói.

Bảo hiểm y tế cũng bó tay

BS Tống Thị Song Hương- Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội- Bộ Y tế, cho biết: “BHYT đã chi trả cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo 300.000 đồng/lần chạy thận từ nhiều năm qua và mới đây tăng lên 400.000 đồng. Hiện chi trả cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo chiếm 10 phần trăm trên tổng chi của BHYT với hơn 10.400 tỷ đồng vào năm 2008, khiến quỹ BHYT bội chi”.

Theo tính toán của BS Hương, bình quân một bệnh nhân chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng mỗi năm ngốn của BHYT gần 100 triệu đồng. BS Hương nói: “Cứ 1.000 bệnh nhân đóng BHYT mới đủ chi cho một bệnh nhân chạy thận nhân tạo”.

PGS Nguyễn Nguyên Khôi cho rằng, cách tốt nhất vẫn là giải pháp dự phòng. Theo đó, phải phát hiện sớm bệnh suy thận, bằng việc chẩn đoán sớm, điều trị bảo tồn lâu dài, nâng cao chất lượng điều trị với giá thành hợp lý.

Ngoài ra, PGS Khôi một lần nữa thúc giục phát triển BHYT toàn dân và BHYT tư nhân để bệnh nhân suy thận được thụ hưởng, đầu tư trang thiết bị máy móc, thành lập các trung tâm chạy thận, lọc thận tới tận bệnh viện quận, huyện, phòng khám.

Theo TS Lý Ngọc Kính- Cục trưởng Cục Khám Chữa bệnh- Bộ Y tế, giải pháp trước mắt là các bệnh viện cần tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ, chuyển giao kỹ thuật nhằm tăng tỷ lệ bệnh nhân suy thận mãn được điều trị lên hơn 10 phần trăm so với hiện nay.

Theo đó đến năm 2020 cần đào tạo thêm 18.000 y bác sĩ, kỹ thuật viên về bệnh thận.

Hiện TPHCM có gần 2.000 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, chiếm 32 phần trăm cả nước. 19 bệnh viện của TPHCM có 336 máy chạy thận, hoạt động hết công suất vẫn không kham nổi.

Theo thống kê của BV Nhân dân 115 TPHCM, 67 phần trăm bệnh nhân suy thận được chẩn đoán muộn; 50 phần trăm chẩn đoán sai.