Gần 200 tỷ thu được từ tác quyền âm nhạc VN

TPO - Đó là con số đáng vui mừng và bất ngờ đã được công bố trong buổi sáng nay từ bài phát biểu của nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Sáng 5-1, TT Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba tại Nhà Hát Lớn HN. Có nhiều con số rất bất ngờ đã được công bố.

Khi câu chuyện về 'Nghe có ý thức' được lan rộng trong cộng đồng yêu nhạc Việt, thì sự việc thu phí tác quyền được hoạt động công khai, minh bạch và có hiệu quả sẽ tạo niềm tin và công bằng cho các nhạc sĩ Việt Nam.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã có hơn 10 năm hoạt động với số nhạc sĩ tác giả thành viên tin tưởng và ký hợp đồng uỷ thác cho Trung tâm ngày càng tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2002, khi mới thành lập mới có 274 thành viên thì tới 2012 đã có 2375 thành viên.

Thông tin từ nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, sau hai năm là thành viên dự khuyết, đến tháng 7 năm 2009, Trung tâm đã là thành viên chính thức của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới (CISAC).

Đồng thời, cho đến nay, Trung tâm đã ký hợp đồng với gần 50 tổ chức quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới có phạm vi điều chỉnh trên 138 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với những cam kết ràng buộc này, Trung tâm cũng đang là tổ chức quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam có quyền hạn và trách nhiệm đại diện cho lợi ích của gần 3 triệu tác giả âm nhạc và lời trên thế giới, trên lĩnh vực quyền biểu diễn hoặc trên cả hai lĩnh vực quyền biểu diễn và quyền sao chép.

Trong bài phát biểu của nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông cũng công bố những con số gây nhạc nhiên khi số tiền thu được hàng năm cho các nhạc sĩ, tác giả thành viên khá cao. Năm 2002 là năm đầu tiên hoạt động, trung tâm đã thu được 78,411,500 VNĐ. Tới năm 2007, năm năm sau, thu được 9,369,401,583 VNĐ và tới năm 2012 vừa qua, thu được xấp xỉ 47 tỷ đồng. Tổng cộng trong 10 năm hoạt động, trung tâm đã thu được khoảng 175,276,078,000 VNĐ (Một trăm bảy mươi lăm tỷ, hai trăm bảy mươi sáu triệu, không trăm bảy mươi tám ngàn đồng).

Về công tác chi trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc cho các nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng thông báo rằng, vì tính phức tạp và chi tiết của hoạt động nghiệp vụ, trung tâm phân phối 4 lần 1 năm vào các tháng 2,5,8,11.

Từ 2002 đến 2011, đã phân phối 82 tỷ 024 triệu 194 ngàn 066 đồng, đạt được 81% số lượng phải phân phối sau khi đã trừ chi phí hoạt động (con số đã được kiểm chứng của cục Cảnh sát kinh tế). Số chưa phân phối được do các trường hợp: Chưa đến kỳ phân phối, đã xuất hóa đơn nhưng chưa thu được tiền từ khách hàng, đơn vị sử dụng chưa cung cấp danh mục bài hát, có tranh chấp sở hữu quyền tác giả, tác phẩm quốc tế có tranh chấp, tác giả chưa đến nhận, chưa xác định được thông tin tác giả… sẽ được tiếp tục chi trả vào các kỳ tiếp theo.

Riêng 2012 phân phối được gần 38 tỷ đồng, đạt khoảng 100% số tiền phải phân phối sau khi trừ chi phí hành chính. Việc chi trả tác quyền được tích cực thực hiện với nhiều hình thức khác nhau: Chi trả trực tiếp tại hai văn phòng của Trung tâm, chuyển tiền qua bưu điện, chuyển khoản, cử người đến tận nhà để chi trả...

Số tiền phân phối cho các tác giả quốc tế được thực hiện thông qua các tổ chức đại diện của họ. Số tiền này chiếm từ 15 - 20% của tổng số tiền phân phối trong các năm của Trung tâm.

Đây là những con số vô cùng đáng mừng cho các nhạc sĩ Việt Nam khi những lợi ích chính đáng và hợp pháp của họ được bảo vệ rõ ràng, thực tế, tạo những điều kiện vật chất và tinh thần xứng đáng để kích thích những sáng tạo của các nhạc sĩ, tác giả âm nhạc Việt Nam.

> Đón đọc phần 2: Các nhạc sĩ Việt Nam nói gì về phí bản quyền?

N.Đinh

Theo Viết