> Big C giải trình ‘nghi án gà Yên Thế nhái’
> Hà Nội đẩy mạnh tiêu thụ gà đồi Yên Thế
Xu hướng xây dựng thương hiệu cho mỗi sản phẩm, hàng hóa của nền nông nghiệp đa dạng như ở Việt Nam đang là đòi hỏi tất yếu từ cả người dân (trong đó có người nuôi gà) và người tiêu dùng.
Nhưng mọi quy định về hàng hóa cuối cùng và bao giờ cũng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nông dân sản xuất ra nó.
Chuyện lùm xùm Công ty CP Giang Sơn có trụ sở tại huyện Yên Thế (Bắc Giang) gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng về việc Siêu thị Big C Thăng Long bán gà với nhãn hiệu “Gà có xuất xứ Yên Thế” theo chương trình bình ổn giá được nhiều người tiêu dùng cho là chẳng mấy vui.
Một khách hàng mua gà ở Big C cho biết: “Dịp Tết, giá thịt gà thường bị tăng đột biến. Vậy nên, tôi quan tâm tới giá cả, dấu kiểm dịch và gà đó có xuất xứ từ đâu, nếu không phải gà nhập lậu từ Trung Quốc là tốt rồi”.
Cùng mối lo ngại gà nhập lậu từ nước ngoài không qua kiểm dịch hoặc không rõ nguồn gốc, làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và phá hoại sản xuất trong nước, những doanh nghiệp và các cấp chính quyền có trách nhiệm đã liên kết, vào cuộc khơi thông các kênh cung cấp thịt, gia cầm có chất lượng cho dân.
Sau cuộc họp giữa lãnh đạo TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang tại Yên Thế về tiêu thụ gà cho dân, Công ty TNHH PT Thành Đồng II, có trụ sở tại Hà Nội đã được giới thiệu với tỉnh Bắc Giang để thu mua gà tại Yên Thế về tiêu thụ tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Sinh, Giám đốc Cty này cho biết, gà mà ông thu mua cung cấp cho Siêu thị Big C được thu mua từ Yên Thế (Bắc Giang).
Cũng theo ông Sinh, Big C bán gà được thu mua từ Yên Thế với giá hợp lý, thấp hơn một số siêu thị khác, bởi đây là mặt hàng Nhà nước can thiệp để bình ổn giá trong dịp Tết.
Nếu Siêu thị Big C bán đắt hơn mức giá Nhà nước quy định, chắc chắn sẽ bị cơ quan chức năng phạt nặng.
Theo ông Sinh, Big C bán gà được thu mua từ Yên Thế với giá hợp lý, thấp hơn một số siêu thị khác, bởi đây là mặt hàng Nhà nước can thiệp để bình ổn giá trong dịp Tết. Nếu Siêu thị Big C bán đắt hơn mức giá Nhà nước quy định, chắc chắn sẽ bị cơ quan chức năng phạt nặng.
Nói về con gà thu mua ở vùng đồi Yên Thế (Bắc Giang), ông Sinh nhấn mạnh: Về tranh chấp nhãn hiệu tôi không có ý kiến, song đúng là cần thiết có sự chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa khi bán ra cho người tiêu dùng biết, để đảm bảo chắc chắn là doanh nghiệp bán gà theo giá bình ổn nhưng gà đó ngon, chất lượng, không phải gà nhập lậu. Và như thế mới đúng ý nghĩa chính trị của chương trình bán hàng bình ổn giá của nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhãn hiệu về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc sản phẩm bán cho người tiêu dùng cần phải ghi trên mọi hàng hóa.
Gà thu mua ở Yên Thế để bán cho người Hà Nội hay TPHCM thì phải ghi rõ xuất xứ Yên Thế; gà mua ở Ba Vì, hay Tam Đảo thì cũng phải ghi tương tự.
Trường hợp sản phẩm không được mua ở vùng đất cụ thể nào đó mà DN vẫn ghi xuất xứ vùng đất ấy thì đó là gian lận thương mại! Với kinh nghiệm thu mua nông sản nhiều năm cho nông dân, ông Sinh phân trần: Gà ở Yên Thế thật ra chưa được tiêu thụ nhiều ở Hà Nội, thế nên lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bắc Giang mới họp bàn để hỗ trợ nông dân nuôi gà và người tiêu dùng thủ đô.
Xét cho cùng, Big C rất đông khách và khi bán gà thu mua từ Yên Thế theo giá được Nhà nước bình ổn thời gian hơn tháng qua thực chất là đang làm cho thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” được nhiều người biết.
Cũng ông Sinh cho biết: Cty TNHH PT Thành Đồng II từng bán gà thu mua từ Yên Thế cho một siêu thị ở Hà Nội không theo giá bình ổn, nhưng do không bán được nên siêu thị này ngừng mua.
Nếu Thành Đồng II ngừng thu mua gà ở Yên Thế, không thực hiện theo chương trình bình ổn giá thì cuối cùng chỉ người tiêu dùng (thực ra là dân nghèo đô thị) sẽ phải mua hàng giá cao.
Còn nông dân nuôi gà Yên Thế cũng khó mà bán được gà với giá cạnh tranh khi số doanh nghiệp thu mua hạn chế, gà nhập lậu tràn lan… Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tuần này Sở sẽ có văn bản trả lời các tổ chức vấn đề này.