F1 - khi thắng bại không ở trên đường đua

Cuộc cạnh tranh trong việc tổ chức các giải đua F1 có thể không hấp dẫn với công chúng bằng tốc độ của các xe đua nhưng chắc chắn khắc nghiệt hơn rất nhiều.

Mỗi chặng đua là một buổi yến tiệc

Khi Lewis Hamiltton đứng lên trên chiếc xe của đội đua Mercedes, hai tay giơ cao chiếc vô-lăng hướng về khán đài chính – Grand Stand, tiếng reo hò cổ vũ rền vang bên bờ vịnh Marina, những người cảm thấy vui sướng nhất, không chỉ có tay đua người Anh. 

Trả lời phỏng vấn sau đó, Hamilton khẳng định: Singapore là một đường đua rất khó. Một thách thức lớn nhất của năm nay. Có thể ví như bạn đang đua ở Monaco nhưng được bơm thêm chất kích thích!

Câu phát biểu này chính là sự tổng kết hoàn hảo cho bầu không khí phấn khích mà 263.000 lượt cổ động viên tạo ra trong 3 ngày trên đường đua. Theo các nhà tổ chức, đây là số lượng người xem trực tiếp lớn thứ hai tại Marina Bay trong 11 lần tổ chức. Một mốc son vì 2018 là năm đầu tiên hợp đồng với F1 được gia hạn lần thứ hai, trong thời gian 4 năm.

Một trong số những người xem ở chặng đua năm nay là bạn tôi, một doanh nhân về phần mềm của Việt Nam. Cùng với một vài nhân viên của công ty làm việc tại văn phòng ở Singapore, anh lựa chọn bar Twenty 23, địa điểm có tầm nhìn đẹp nhất để chứng kiến màn kết thúc tại một trong những đường đua đẹp nhất năm nay. Bar này đặt theo tên của Turn 23, tức góc cua cuối cùng trên đường đua Marina Bay. Nếu không thích, khách du lịch Việt Nam vẫn có thể lựa chọn những khu vực khán đài khác, vừa chờ đợi chặng đua, vừa nhấm nháp hoàng hôn thu rơi trên sông Singapore. Với giá vé dao động từ khoảng 268 đến 1.888 đô-la Singapore, một du khách Việt có thể chi tiêu khoảng 20-30 triệu đồng cho chuyến du lịch với 3 ngày xem đua xe F1.

Mỗi chặng đua F1 là một buổi tiệc, nếu như thế, Singapore Grand Prix là một đại yến. Không chỉ giới hạn trong 3 ngày, cuộc đua là một phần của sự kiện mang tên Grand Prix Season Singapore. Thống kê của Uỷ ban Du lịch Singapore (STB) cho biết trong 10 năm trước đó, có 450.000 khách đến nước này để xem đua xe F1, tạo ra một nguồn thu lên tới 1,4 tỷ đô-la Singapore.

Trong suốt các ngày trước khi diễn ra giải đua, một loạt buổi diễn âm nhạc hàng đầu khác được tổ chức tại các khu vực khán đài và xung quanh. Chúng ta có thể kể đến cựu thủ lĩnh ban nhạc Oasis là Liam Gallagher, mang lại hoài niệm với những bản hit cũ như Rock' n 'Roll Star hay Wonderwall, hay Simply Red, hay The Killers. Trong khi đó Dua Lipa, Martin Garrix và Châu Kiệt Luân mang lại một phong vị trẻ trung sôi động hơn trong buổi diễn riêng của mình.

 “F tour” và bài học thành công từ Singapore

Singapore Marina Bay Street Circuit chạy dọc theo vịnh Marina, nối từ khu trung tâm hành chính các phố cũ của Singapore sang khu quy hoạch mới bên kia bờ Vịnh, chạy xuyên qua trung tâm tài chính của nước này. Theo tính toán của STB, trong 10 lần tổ chức trước, những hình ảnh mang tính biểu tượng của một Singapore đã được truyền đến hơn 780 triệu lượt người xem trên toàn thế giới. Một sự quảng bá xứng đáng đến từng xu so với mức giá chi trả hàng chục triệu USD mỗi năm để đăng cai F1.

Cuộc chạy đua đăng cai F1 vì thế có thể phải trả giá bằng tài sản của những người đỡ đầu cho nó. Vài năm trước, công ty tư vấn Boston Consultin Group (BCG) đã đưa ra ước tính rằng trong 10 năm Singapore tổ chức đua xe F1, đất nước nhỏ bé này được hưởng lợi với doanh thu lên tới 2 tỷ đô la Singapore. Trong đó, 1 tỷ là tiền du khách mua sắm trực tiếp khi đi xem đua xe, 1 tỷ còn lại là từ dòng khách du lịch đổ về nhân sự kiện này.

 

Thống kê cho thấy, tời trước 2008, du khách đến Singapore hằng năm đạt con số 10,3 triệu người. 8 năm sau đó, con số này là 16,4 triệu, tức là tăng trưởng xấp xỉ 61%. Doanh thu từ du lịch ghi nhận được cũng tăng tới 141%. STB tính toán, riêng khách xem F1 mang lại thêm cho ngành du lịch nước này 150 triệu đô-la Singapore mỗi năm.

Ánh đèn rực rỡ dọc theo các con phố được sử dụng làm trường đua  biến Singapore trở thành viên ngọc sáng nhất trong chuỗi đá quý F1 rải khắp thế giới. Không phải vô cớ mà trước đây các nhà tổ chức phải trả tới 150 triệu đô-la Singapore cho việc tổ chức giải đua ở nước này (mức cao nhất, tăng dần theo năm), nhưng theo hợp đồng hiện tại, con số này năm tới sẽ giảm còn 135 triệu đô-la Singapore. Singapore cần F1, nhưng tình thế đang đảo ngược, F1 trở nên cần Singapore nhiều hơn.

Cho tới hiện tại, việc tổ chức đua đêm trong thành phố - chặng đua diễn ra khi mặt trời lặn đầu tiên trên thế giới - chính là một trong những ưu thế biến Singapore trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của giải đua tốc độ nhất thế giới. Với kết quả của Singapore, “đại gia đình” F1 vẫn tiếp tục có thêm nhiều ứng cử viên rất tiềm năng từ Châu Á. Và chúng ta có quyền kỳ vọng về một ngày nào đó, F1 sẽ đến với Việt Nam.