Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành liên quan cùng các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN cho hay, EVN đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quyết tâm cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022, chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025 với 5 lĩnh vực chuyển đổi số là sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ, viễn thông và công nghệ thông tin. “Tự động hóa quy trình sản xuất sẽ thúc đẩy và mang lại hiệu quả cao trong tác điều hành, vận hành hệ thống điện liên tục, an toàn, ổn định để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng”, ông Thành nói.
Tại hội nghị, EVN và các đơn vị thành viên báo cáo kết quả đã thực hiện, đồng thời trao đổi, thảo luận, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với các đối tác với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng về tự động hóa và chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao trong công tác sản xuất kinh doanh.
Trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số, EVN đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 10 sản phẩm “Make by EVN” và 3 “Make in Việt Nam”. Tại hội nghị, EVN đã công bố và trao thưởng cho 6 sản phẩm tự động hóa “Make by EVN” do các đơn vị trực thuộc tự nghiên cứu và phát triển. Trong đó chọn 3 sản phẩm đăng ký dự xét tuyển sản phẩm “Make in Vietnam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Dịp này, Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO3) cũng trưng bày, giới thiệu 3 sản phẩm tự động hóa do các đơn vị thành viện nghiên cứu, thực hiện. Đó là Robot sơn bồn kim loại (PM TANKBOT 1), Hệ thống mô phỏng chuyển đổi điện tự dùng (ATS) do Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ nghiên cứu, phát triển và Hệ thống quan trắc, tính toán và truyền số liệu thủy văn tự động (BK HYDROLOG) do Công ty Thủy điện Buôn Kuốp chế tạo, lắp đặt.
PM TANKBOT 1 được nghiên cứu, chế tạo để kiểm tra, đánh giá và sơn bề mặt các bồn kim loại như bồn dầu, bồn nước, bồn nhớt bôi trơn trong các nhà máy. Trước đây, khi sơn bồn phải lắp giàn giáo xung quanh, sử dụng nhân công để vệ sinh, làm sạch, kiểm tra tình trạng bồn và sơn. Khi sử dụng robot PM TANKBOT 1 đã giúp tiết kiệm được chi phí nhân công, thời gian thi công và đặc biệt đảm bảo an toàn. Ngoài ra, Robot còn có thể sử dụng để kiểm tra NDT, kiểm tra bên trong, độ dày thành bồn, đường ống nước làm mát, hầm dẫn nước… bằng cách thay đầu phun bằng các loại thiết bị đo, đầu dò tương ứng.
Hệ thống mô phỏng chuyển đổi điện tự dùng (ATS) là hệ thống mô phỏng trạng thái hoạt động của 1 thanh cái tự dùng 6,6kV của Nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Phú Mỹ 4, giả lập các chế độ hoạt động khác nhau của hệ thống điện tự dùng, kiểm tra trạng thái đóng/mở, tốc độ đóng/mở các máy cắt ở các chế độ chuyển đổi nhanh, chuyển đổi bình thường và chuyển đổi khi xảy ra sự cố; qua đó giúp định lượng được các dạng sự cố khác nhau để chủ động lên phương án khắc phục thay vì phải dò mạch, phân tích dữ liệu rơle, tìm tuần tự từng lỗi sẽ mất khá nhiều thời gian.
Nhờ tính chủ động trong thiết kế, hệ thống có thể ứng dụng mở rộng mô phỏng bất kỳ thanh cái tự dùng 400V, 6,6kV… hoặc các cấp điện áp khác của các nhà máy điện chỉ bằng cách hiệu chỉnh thông số, nạp lại chương trình. Với hệ thống này sẽ giúp cho công tác đào tạo vận hành viên mới hiệu quả hơn, nhanh chóng tiếp cận và hiểu sâu hơn về cấu tạo, nguyên lý hoạt động các thiết bị, quy trình vận hành và chủ động nắm bắt, tích lũy kinh nghiệm trong thao tác vận hành, xử lý sự cố.
Hệ thống thu thập, tính toán và truyền số liệu thủy văn (BK HYDROLOG) gồm 3 thiết bị chính là thiết bị đo mưa trên lưu vực, thiết bị đo mực hồ tại nhà máy và bộ datalogger lập trình tính toán hiển thị số liệu lưu lượng nước về các hồ chứa. Hệ thống phục vụ công tác quản lý vận hành, điều tiết khai thác tối ưu các hồ chứa theo thời gian thực, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; đồng thời tự động truyền số liệu về các cơ quan chức năng có yêu cầu. Hệ thống đã chấm dứt việc nhập số liệu thủ công số liệu với chu kỳ tự động ghi nhận 15 phút/ lần.
Các sản phẩm tự động hóa kể trên đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ cho khách hàng.