Tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2016 là năm nhiều khó khăn và thách thức với ngành điện. Tuy nhiên, tập đoàn đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao khi nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với đề ra.
Bên cạnh những mặt làm được, lãnh đạo EVN cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng một số đơn vị chưa tập trung quyết liệt trong chỉ đạo công tác an toàn, còn buông lỏng công tác quản lý kỷ luật lao động. Tiến độ một số dự án nguồn điện bị chậm so với kế hoạch, thời gian thi công một số dự án lưới điện truyền tải bị kéo dài...
Theo Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An, năm 2016, doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 264.680 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2015.
Tại hội nghị, lãnh đạo EVN kiến nghị Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho tập đoàn, các đơn vị trực thuộc vay vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng các công trình điện; cũng như sớm ban hành quyết định phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều 3/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, việc ngành điện đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế đã góp phần không nhỏ trong việc giúp thúc đẩy tăng trưởng. Việc đáng ghi nhận năm qua là việc ngành điện đã vượt qua thách thức khó khăn, nhất là áp lực tỷ giá để cân bằng tài chính.
Thủ tướng cũng ghi nhận những nỗ lực của ngành điện trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp cải thiện môi trường kinh doanh của đất nước. “EVN đã đóng góp trực tiếp vào cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Trước phải làm cả tháng mới xin được đấu điện trung áp, giờ thủ tục rút lại chỉ còn 5 ngày. Tôi cũng theo dõi và thấy tiếng kêu của doanh nghiệp đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta đang phấn đấu môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức ASEAN 4. Tiếp xúc điện năng làm sao phải tốt hơn. Hiện năng suất lao động bình quân ngành điện vẫn thấp hơn so với các công ty cùng chuyên ngành trong khu vực. Đây là điều ngành điện cần khắc phục”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Về những tồn tại của ngành điện, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, ngành điện đến nay đã có dự phòng nhưng chưa đồng đều ở các khu vực, nhất là ở khu vực miền Nam. Cùng với việc yêu cầu nâng cao năng lực quản trị của ngành điện, Thủ tướng cũng lưu ý EVN phải đảm bảo nguồn điện quốc gia hoạt động bình thường trong trung và dài hạn. Cụ thể, theo dự báo năm 2019 sẽ có nguy cơ thiếu điện ở miền Nam nên cần có ngay biện pháp để chuẩn bị. “Tôi muốn nhắc nguy cơ thiếu điện trong dài hạn sẽ ảnh hưởng đến phát triển của kinh tế xã hội. Chúng ta đã đặt mục tiêu ít nhất đến 2020 Việt Nam sẽ có trên 1 triệu doanh nghiệp mới, hiện mới có trên 600 nghìn doanh nghiệp, vì vậy cần thúc đẩy mạnh mẽ để đáp ứng điện cho doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh hiện nay, EVN vẫn phải tiếp tục là tập đoàn nhà nước chủ đạo trong đảm bảo cấp điện cho quốc gia, trong thực hiện các dự án điện mới, dự án truyền tải điện, năng lượng tái tạo. Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý trong quá trình phát triển cần chú ý bảo vệ môi trường, không sản xuất điện bằng mọi giá, ảnh hưởng đời sống người dân vùng xung quanh.