Sản phụ Muskura Bibi, 23 tuổi, đến từ Ấn Độ, vừa sinh một em bé tại bệnh viện ở Kolkata. Tuy nhiên, em bé đã qua đời sau 4 tiếng chào đời. Các bác sĩ không xác định được giới tính của em bé do xương chậu kém phát triển, hai chân dính nhau. Họ cho rằng em bé này mắc phải hội chứng Sirenomelia còn gọi là hội chứng người cá. Đây là rối loạn hiếm gặp, biểu hiện là một phần hoặc toàn bộ chân dính nhau.
Tỷ lệ mắc hội chứng này là 1/60.000-100.000 trẻ sinh ra. Ngoài ra, trẻ mắc phải hội chứng Sirenomelia cũng có vấn đề ở đường tiêu hóa, hoặc thận kém phát triển. Nguyên nhân của của hội chứng này chưa được xác định rõ ràng. Trẻ sinh ra mắc phải hội chứng người cá hầu hết sẽ tử vong, do biến chứng phổi và khiếm khuyết ở tim.
Trong thời gian mang thai, Muskura Bibi không khám thai định kỳ, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Vì vậy, cô chỉ biết tình trạng của con sau khi bé chào đời.
Tiến sĩ Sudip Saha, làm việc tại bệnh viện nơi Muskura Bibi sinh con, nói: "Tôi chưa bao giờ thấy một em bé nào như vậy. Đây là trường hợp đầu tiên của bang Tây Belgan, và là trường hợp thứ hai ở Ấn Độ mắc hội chứng này".
Theo tiến sĩ Saha, phần trên cơ thể của bệnh nhi bình thường, nhưng phần dưới thắt lưng bị dính chặt với nhau, chưa phát triển đầy đủ.
Năm 2016, một phụ nữ đến từ Uttar Pradeash, Ấn Độ, đã sinh ra một em bé mắc hội chứng người cá. Em bé này chỉ sống được 10 phút ngắn ngủi.
Chuyên gia Lindsey Fitzharris, Đại học Oxford, Anh, cho hay hội chứng người cá xảy ra do dây rốn không thể hình thành hai động mạch dẫn đến thai nhi không được cung cấp đủ nguồn máu nuôi dưỡng.
"Hội chứng Sirenomelia rất nghiêm trọng. Trẻ sinh ra có thể sẽ tử vong ngay trong ngày đầu tiên do suy thận và bàng quang", chuyên gia này nhấn mạnh.