Dùng khối đá nhựa từ rác thải đắp đê kè: Một đề xuất 'táo bạo'

TP - Theo các chuyên gia, hiện nay chất thải sinh hoạt tại Việt Nam có đặc tính là chất thải hỗn hợp chưa được phân loại tại nguồn, có độ ẩm cao và được bao gói trong nhiều lớp nilon, chai nhựa. Yêu cầu đặt ra là xử lý, tái chế rác thải nhựa, túi nilon…phải vừa bảo vệ môi trường vừa tạo ra những vật phẩm có ích cho xã hội.

Con số báo động về rác thải nhựa

 Thông thường khi các sản phẩm rác thải nhựa như túi nhựa, nilon…thải ra môi trường phải mất vài chục năm đến vài trăm năm mới có thể phân hủy. Các sản phẩm rác thải này không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. 

Hiện nay ngoài công nghệ đốt, công nghệ chôn lấp rác hợp vệ sinh vẫn được sử dụng

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở nước ta khoảng 61.000 tấn/ngày, chất thải sinh hoạt đô thị chiếm 37.000 tấn/ngày, chất thải nông thôn khoảng 24.000 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng phát sinh của TPHCM hơn 9.000 tấn/ngày, TP Hà Nội khoảng 6.500 tấn/ngày…Lượng chất thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp chiếm khoảng 71%. 

Bên cạnh đó, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam ở mức rất cao, chiếm từ 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 4 trong số các nước có lượng rác thải nhựa đổ ra biển lớn với 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm. 

Rác thải nhựa, nilon hiện nay chưa được phân loại tại nguồn

Điều đáng chú ý, trong tổng số rác thải nhựa ra môi trường, ước tính chỉ có khoảng 6% được tái chế, 8% đã bị thiêu hủy. Phần còn lại chiếm được tích luỹ trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc trong môi trường tự nhiên. Việc thu gom, xử lý tái chế khi rác thải nhựa, túi nilon trộn lẫn với các chất thải khác vô cùng khó khăn và tốn kém.

“Đề án sản xuất khối đá nhựa sẽ phù hợp thực thiện các công trình đắp đê kè cho đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các vùng ven biển”.
Kỹ sư Nguyễn Đình Dương


Trong những năm vừa qua, tại TPHCM nói riêng và các tỉnh thành khác nói chung đã ra sức tuyên truyền nâng cao vận động người dân thực hiện việc giảm thiểu sử dụng túi nilon, chai nhựa khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ…Riêng TPHCM đặt ra chỉ tiêu thu gom 100% chất thải phát sinh trên địa bàn thành phố và có ít nhất 50% lượng chất thải nhựa ở bên trong đó được thu hồi tái chế. 

Theo các chuyên gia, hiện nay chất thải sinh hoạt trong nước có đặc tính là chất thải hỗn hợp chưa được phân loại tại nguồn, có độ ẩm cao và được bao gói trong nhiều lớp nilon, chứa chai nhựa. Với đặc tính này, để xử lý chất thải sinh hoạt cần phải đầu tư nhiều công đoạn và máy móc thiết bị phân loại tái chế. Trong đó yêu cầu đặt ra hiện nay là xử lý, tái chế rác thải nhựa, túi nilon…vừa bảo vệ môi trường vừa tạo ra những vật phẩm có ích cho xã hội.

Sản xuất khối đá nhựa 

 Xử lý rác thải hiện nay là một trong những thách thức về môi trường không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trên thế giới đang gặp phải. Tại nước Áo rất chú trọng phát triển công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải. Theo đó, một công ty đã phát triển phương pháp sử dụng enzyme từ vi khuẩn để tái chế nhựa PET, đây là loại nhựa thường được dùng để sản xuất chai nhựa đựng nước dùng một lần. 

Trong khi đó ở nước Nga cũng đã nghiên cứu cách tái chế nhựa, ứng dụng công nghệ cao đưa rác thải nhựa thành nguyên liệu nền để thu được nguyên liệu xăng dầu. Tương tự tại Nhật Bản cũng nghiên cứu rác thải nhựa để tái chế thành vật liệu tái sinh, “biến rác thành tiền”. Mỗi ngày họ thu mua các vỏ chai nhựa để tái chế, tạo ra hạt nhựa trắng tái chế ra hạt nhựa mới mang đi bán…

Qua nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới, kỹ sư Nguyễn Đình Dương thấy rằng, rác thải là một đề tài mà tất cả mọi người ai cũng muốn góp sức cùng xã hội giải quyết, bảo vệ môi trường. Nhất là đối với rác thải nhựa, nilon…càng nguy hại hơn nhiều khi thải ra môi trường sống. Những biện pháp nhỏ lẻ không giải quyết hết được mà đòi hỏi phải tìm những biện pháp tương ứng giải quyết khối lượng lớn. 

Là người có tâm huyết, ông nghiên cứu đề tài sử dụng rác thải nhựa nilon sản xuất đá nhựa thay đá xanh, đổ bê tông các công trình. Đây là nghiên cứu được đánh giá mở ra triển vọng lớn trong sản xuất các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, đồng thời bảo vệ môi trường khi lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra môi trường còn lớn.

Nghiên cứu của kỹ sư Nguyễn Đình Dương tận dụng rác thải nhựa nilon và các loại rác thải rắn như cát, sỏi, xỉ than, sành sứ, thủy tinh, rác thải y tế, các mỏ than…đúc thành khối bê tông nhựa để đắp đê kè cho đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các vùng ven biển…
“Các loại rác thải thu gom về nhà máy sau đó được phân loại, xử lý theo từng công đoạn. Sau đó đong theo đúng tỷ lệ kỹ thuật chuyển vào nhà máy gia công nhiệt để các chất liệu nhựa nilon chảy hoàn toàn nhào trộn với các loại phôi liệu theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc còn lại là cho đổ vào khuôn mẫu theo yêu cầu thiết kế”, kỹ sư Nguyễn Đình Dương cho biết.

Theo kỹ sư Nguyễn Đình Dương, các khối bê tông nhựa được đúc theo khối lớn, được thiết kế có rãnh để lắp ghép và nối với nhau theo các chiều ngang, dọc. Đề án sản xuất khối đá nhựa sẽ phù hợp với tình hình đất đai ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long... Các khối đá nhựa này nếu triển khai sẽ được lắp ghép theo mẫu và không bị sóng biển phá vỡ, không bị nước biển ăn mòn như các công trình đê kè sử dụng xi măng, sắt thép. 

Ngày 14/9/2012, Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, đồng thời là chủ sở hữu cho ông Nguyễn Đình Dương vì đã có công trình nghiên cứu “Sử dụng rác thải nhựa nilon sản xuất đá nhựa thay đá xanh, đổ bê tông các công trình”.


Tác giả: Kỹ sư Nguyễn Đình Dương
Liên hệ: 0979826335
Địa chỉ: Số 13 ngách 29 Ngõ Quỳnh, Phường Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội