Trên thực tế, nước ta đang trong quá trình CNH-HĐH, vì vậy, bảo đảm nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng. Hơn nữa, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đòi hỏi phải có những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách mới cho phát triển ngành năng lượng quốc gia.
Nghị Quyết 55 đã khai phóng nguồn lực nội sinh của các tổ chức đơn vị và cá nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là điện mặt trời (ĐMT). Từ xuất phát điểm “không tên”, chỉ sau 1 thời gian rất ngắn, Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia mới nổi, với mức đầu tư 7,4 tỷ USD vào điện gió, điện mặt trời, chiếm Spotlight trên bản đồ năng lượng sạch thế giới.
NLS tỏa sáng là bức tranh rực rỡ phản diện với điện truyền thống từ năng lượng hóa thạch đang ngày một cạn kiệt, gây ra nhiều hệ lụy cực đoan; tàn phá môi trường sống, sạt lở, biến đổi khí hậu…..diễn biến vô cùng phức tạp.
Khi hướng dương ngược nắng
Thiết tưởng rằng, câu chuyện NLS sẽ được duy trì và NQ 55 của BCT sẽ được quán triệt rốt ráo. Song niềm vui chưa kịp “nâng bậc” thì sau cái Tết Tân Sửu, truyền thông cả nước lại liên tục “réo thuê” những khó khăn của EVN về quản lý lưới điện do quá tải, để buộc hàng loạt nhà máy ĐMT hằng ngày phải tiết giảm từ 30% đến 40% công suất.
Điều đó cũng đồng nghĩa với tâm trạng cay đắng của các NĐT NLS chính trực khi một lượng lớn điện sản xuất ra phải thải bỏ vì không được phát thương mại. Biết bao công sức, mồ hôi, trí tuệ, nhiệt huyết và tiền bạc đã bị chối bỏ bởi những lời ca cẩm của ngành điện đổ lỗi cho quá tải từ ĐMT. Chứng kiến cảnh méo mặt của doanh nghiệp mới thấu cảm được nỗi đau mà họ phải chịu đựng bởi sự lúng túng của EVN.
Tình huống phụ tải xuống quá thấp trong Tết Nguyên đán vừa qua là tín hiệu nhắc nhở rằng đã đến lúc ngành điện Việt Nam cần một phương thức điều độ hệ thống và vận hành thị trường mua - bán điện linh hoạt hơn để thích ứng với cơ cấu nguồn phát đang thay đổi nhanh chóng. Suy cho cùng đây không phải là vấn đề quá ư là phức tạp, và EVN với năng lực của mình sẽ thừa sức để cân bằng. Cho nên, việc chúng ta chậm trễ hay tỏ thái độ ngập ngừng với điện sạch gồm điện gió, điện mặt trời vô hình trung sẽ gián tiếp rộng đường cho nhiệt điện, thủy điện thừa cơ trỗi dậy mà lẽ ra cần phải thoái trào để kéo lùi tình trạng hiệu ứng khí thải toàn cầu, nước biển dâng.
Có một thực tế không thể không nói đến, đó là trong khi nhiều nhà máy ĐMT được đầu tư tốt của các Tập đoàn kinh tế lớn - uy tín đang phải ngắc ngoải bởi bị EVN khống chế công suất, hoặc họ có những dự án NLS rất tốt nhưng đang bị ách tại Bộ Công thương, thì nghịch lý thay lại có khá nhiều dự án ĐMT của 1 số doanh nghiệp mới thành lập bữa trước, thì hôm sau được phê duyệt đính kèm một cách vội vã.
Lý giải cho hiện tượng này, Hội đồng Thẩm định Nhà nước lại đưa ra một dự thảo qui hoạch điện 7,8 một cách rất duy ý chí, không dựa vào kế hoạch và diễn biến của ngành năng lượng quốc gia. Sự khó hiểu của đơn vị này khiến cho nhà đầu tư thực thụ hoang mang. Vậy có hay không lợi ích nhóm từ “qui hoạch trong bóng tối” mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi còn đương nhiệm đã không ít lần đề cập đến ?
Thực tế, đến nay có doanh nghiệp vác dự án bán lại với giá “đắt xắt ra miếng” vì cái “hữu danh vô thực” đó không thể triển khai dự án. Nên chăng việc phê duyệt dự án cụ thể phải được Hội đồng Thẩm định tính toán kỹ lại, có sự điều nghiên thấu đáo để tránh việc xát muối vào vết thương của doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm NLS, hoặc gây đổ vỡ niềm tin cho các nhà đầu tư tiếp theo. Và biết đâu, việc làm trái khoáy ấy sẽ là đầu dây mối nhợ khiến hệ thống điện Quốc gia vận hành trong khủng hoảng cả trên “bàn giấy” lẫn thực tại. Thậm chí gián tiếp đẩy vốn đầu tư ĐMT tăng cao gây nhiễu loạn giá bán điện.
Vị trí địa lý, yếu tố tự nhiên đã ban tặng những đặc ân cho đất nước ta để phát triển điện sạch. Thay vì phải chi hàng đống tiền để đào xới khai mỏ, hay nhập than cho nhiệt điện hoặc phá rừng, di dân xây thủy điện. Đó không phải là cách làm “thông thái” trong thời đại công nghiệp 4.0