Dù đã được vá màng nhĩ bên tai bên trái do hậu quả của viêm tai giữa gần một tháng nay nhưng cháu Nguyễn Thị Xuân Quỳnh 6 tuổi ở quận 7 vẫn chưa nghe rõ như bình thường. Chị Hoài Anh, mẹ bé Quỳnh ân hận vì quá chủ quan khi cứ nghĩ con bị cảm cúm, sổ mũi thông thường nên không đưa đi viện.
“Tưởng con bệnh nhẹ nên cứ ra nhà thuốc mua thuốc uống đến 1 tuần không khỏi mới đưa cháu đi bệnh viện. Bác sĩ bảo bị viêm đường hô hấp trên và gây ra biến chứng viêm tai giữa, biến chứng thủng màng nhĩ buộc phải vá màng nhĩ”, chị Anh cho biết.
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, nhiều trẻ rơi vào trường hợp như vậy. Tại bệnh viện này, mỗi năm có hơn 3.000 trẻ được đưa đến khám vì viêm tai giữa, trong đó, khoảng 300 ca phải phẫu thuật để khôi phục thính lực, chủ yếu là vá màng nhĩ.
Tại phòng khám Tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, trong một tháng qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 trẻ được chẩn đoán viêm tai giữa sau khi đến khám, tăng gấp 3 lần so với những tháng trước đó. Có trường hợp phát hiện muộn nên buộc phải mổ vá màng nhĩ, có trường hợp viêm tai nặng đã gây ra biến chứng viêm màng não rất nguy hiểm.
Bác sĩ Phan Dzư Lê Lợi, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Hoàn Mỹ cho biết, khi thời tiết chuyển mùa, thay đổi, số trẻ viêm tai giữa nhiều.
Biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Phan Dzư Lê Lợi cho biết, viêm tai giữa hay nhiễm trùng tai giữa là bệnh khá thông thường của trẻ em. “Bị nhiễm bệnh nhiều nhất là 1-2 tuổi, bệnh hay xuất nhiều vào mùa mưa, thời tiết thay đổi”, bác sĩ Lợi cho biết.
Triệu chứng là nhiễm trùng nhanh, ồ ạt, sốt, đau tai, có thể chảy dịch ở tai, trẻ quấy khóc, cáu gắt, có thể nôn ói hay tiêu chảy, màng nhĩ bị xung huyết, đỏ, phồng lên... Trong khi viêm tai giữa mạn tính có những triệu chứng tai như tai bị chảy dịch, màng nhĩ bị co lõm, có thể bị thủng màng nhĩ.
Theo các bác sĩ, nếu bị viêm tai giữa mà không chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm cấp rất nguy hiểm. Một khi bệnh phát nặng, dễ xảy ra biến chứng thủng màng nhĩ, giảm thính lực, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm. Nguy hiểm hơn là biến chứng xảy ra trong sọ não như viêm màng não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng... dễ gây tử vong ở trẻ.
Dễ phòng ngừa
Hầu hết trẻ khi bị viêm tai giữa trước đó có những triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên. Vì vậy, theo bác sĩ Sơn, khó phát hiện viêm tai giữa ở trẻ trong giai đoạn đầu vì nó có biểu hiện giống các bệnh hô hấp thông thường như sổ mũi, cảm cúm, nóng sốt, hay quấy khóc...
Mặc dù được phẫu thuật và điều trị thành công nhưng chỉ có khoảng 30-60% trẻ viêm tai giữa phục hồi được khả năng nghe. Ở mức 30%, trẻ gần như không thể nghe được, còn nếu phục hồi được 60% thì khả năng nghe của trẻ giống như người bị lãng tai. Có đến 20-30% trẻ bị điếc vĩnh viễn dù được phẫu thuật.
“Khi thấy trẻ tự kéo tai như đang có gì khó chịu ở đó, khóc nhiều hơn bình thường, khó ngủ hơn, không phản ứng khi nghe tiếng động kèm sốt, nhức đầu và chảy mủ lỗ tai… nên nghĩ ngay đến viêm tai để can thiệp kịp thời”, bác sĩ Lợi khuyên.
Ngoài ra, không cho trẻ đến gần các trẻ bệnh. Không cho đi nhà trẻ quá sớm, không tự ý dùng thuốc, giữ không cho trẻ hít khói thuốc, rửa mũi bằng dung dịch và cho trẻ bú mẹ ít nhất là 6 tháng đầu vì trong sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống bệnh.
Theo các chuyên gia, khoảng 1/3 số trẻ mắc bệnh sau chữa trị sẽ có ít nhất 6 lần tái bệnh trong vòng 7 năm nên cần cho trẻ tái khám thường xuyên.