Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt mức 10 tuần nhập khẩu và có thể đạt 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm nay, và đó là “một minh chứng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế”, theo nhận định của người đứng đầu Chính phủ.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cuối năm 2011, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tụt xuống còn 9 tỷ USD, nhưng đã tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm nay với mức tăng thêm là hơn 10 tỷ USD. Kết quả này có được trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng khá với mức tăng 22%, trong khi nhập khẩu giảm, đồng thời tỷ giá được giữ ổn định.
Thủ tướng cũng không quên nhắc lại tình huống của năm 2008 khi dự trữ ngoại hối giảm sút, có những ý kiến nói rằng Việt Nam cần tính đến việc các nhà đầu tư gián tiếp có thể rút 7 tỷ USD vốn của họ về nước. “Nhưng khi đó, tôi nói Việt Nam sẵn sàng cho điều đó, vì chúng tôi có dự trữ 23 tỷ USD”, Thủ tướng nói.
Thừa nhận nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2012 không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, nhưng Thủ tướng cũng nói rằng tại thời điểm đầu năm, Việt Nam đặt mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và cho đến nay, mục tiêu này đã đạt được rất tốt, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong 6 tháng cuối năm nay, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững. Tăng trưởng GDP của năm 2012 có thể đạt mức 5,5% và theo Thủ tướng đây là mức tăng “hợp lý”.
Chính phủ cũng xác định năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Vì tính chất quan trọng này, năm 2013 sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 6-6,5% để tạo đà cho những mức tăng cao hơn trong các năm 2014, 2015, từ đó đạt mục tiêu trung bình tăng trưởng 7% mỗi năm cho cả giai đoạn 2011-2015.
Theo VnEconomy