Thời điểm này năm ngoái, bánh đồng xu phô mai hay trà chanh giã tay đã từng làm mưa làm gió trên mạng xã hội, thu hút giới trẻ xếp hàng dài để thưởng thức. Hay, trào lưu "flex đến hơi thở cuối cùng" với hội nhóm hàng triệu người tham gia để khoe khoang một cách khéo léo... Nhưng sau một thời gian ngắn, các trào lưu này nhanh chóng đi vào dĩ vãng.
Tương tự, những trào lưu như săn labubu, xé túi mù hay chill guy (anh chàng thư giãn) mới nổi lên gần đây, cũng đang hạ nhiệt chóng vánh. Hiện tượng này được gọi là “đu trend”, trong đó “trend" là những món ăn, chủ đề, hành động, điệu nhảy… bỗng trở nên phổ biến một cách nhanh chóng rồi lại hết thời.
Lo sợ lạc lõng
“Dù đã ăn thử lạp xưởng ở Hà Khẩu nhiều lần và không thực sự thích, nhưng khi thấy mọi người rộ lên phong trào ăn món này, mình vẫn xếp hàng để trải nghiệm xem có gì khác không”, Trà My (23 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Cô cho biết, mỗi khi có một trend mới nổi lên, nó sẽ lập tức trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trong nhóm bạn bè, và nếu không tham gia, cô sẽ không có gì để nói. Vì không muốn bị bạn bè hỏi những câu đại loại như “đã làm chưa?”, hay “đã thử chưa?”, mỗi lần có trend mới, My đều cố gắng sắp xếp thời gian để trải nghiệm.
“Khó để đánh giá sở thích đu trend của giới trẻ là xấu hay tốt, mà điều này còn tùy thuộc vào loại trend và cách đu trend của các bạn. Hiện nay, vẫn có rất nhiều trend tích cực và ý nghĩa mà các bạn trẻ có thể tham gia để phát triển bản thân”.
ThS. Nguyễn Thị Mai Phương
Ngoài những trend ăn uống, My còn là một fan cuồng nhiệt và rất thích theo trào lưu "đu" ca sĩ thần tượng. Để cập nhật thông tin mới nhất về idol, My thường xuyên mai phục trong các group fan hâm mộ. Mỗi khi thần tượng có lịch trình gần đó, cô sẽ lập tức đi đến để có cơ hội gặp thần tượng gần hơn.
Hoà chung không khí cuồng nhiệt các "anh trai" thời gian qua, My thừa nhận: “Mình đã mất rất nhiều thời gian để săn được chiếc vé xem concert, vì thế mình muốn chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo. Concert bắt đầu lúc 7 giờ tối, nhưng mình đã xin nghỉ làm buổi chiều để đi làm tóc, trang điểm và đến địa điểm tổ chức sớm chọn một vị trí đẹp”.
Theo Trà My, cộng đồng giới trẻ theo trào lưu "đu idol" rất đông đảo, nhưng việc theo đuổi thần tượng đòi hỏi một khoản chi phí không hề nhỏ. Để ủng hộ thần tượng, fan rủ nhau thường mua các sản phẩm như card (thẻ in ảnh idol), album, và nhiều vật phẩm khác. Trong bộ sưu tập của mình, My có một chiếc card có giá trị lên đến 10 triệu đồng.
“Mặc dù đu trend tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc, nhưng cảm giác là những người đầu tiên bắt kịp xu hướng khiến mình tự tin hơn khi trò chuyện với bạn bè”, My nói.
Lan tỏa tích cực
Ngọc Hà (25 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bản thân nhận nhiều hơn là mất từ việc đu trend. “Đu trend khiến mình cảm thấy vui vẻ và thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Vì vậy, mình sẵn sàng bỏ ra một khoản chi phí hoặc thời gian cần thiết để thỏa mãn cảm giác này. Mặc dù, có những trào lưu rất vô tri”, Hà chia sẻ.
Những lần hẹn gặp cà phê với bạn bè, Hà thường rủ mọi người thực hiện những điệu nhảy đang hot trend trên TikTok. Cô cho biết, hoạt động này không chỉ giúp nhóm bạn giải tỏa căng thẳng, mà còn khiến các thành viên trong nhóm thân thiết và xích lại gần nhau hơn.
Đối với Hà, việc tham gia các trào lưu trên mạng xã hội không chỉ là thú vui giải trí mà còn được hoà chung vào một không khí nào đó như niềm tự hào dân tộc. Đó là những trào lưu như “Mình đến từ Việt Nam”, hay “Vẽ cờ Tổ quốc” đã phủ sóng cộng đồng mạng với sức lan tỏa rộng rãi nhân dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua. Bạn trẻ cũng thích thú chia sẻ hình ảnh các tỉnh thành Việt Nam trên nền nhạc ru "à ơi…" để giới thiệu quê hương mình với các bạn ở vùng miền khác trên TikTok.
“Hàng loạt video xu hướng về lá cờ Tổ quốc nhuộm đỏ mái nhà dân dịp Quốc khánh khiến mình cảm thấy tự hào và thêm yêu Tổ quốc hơn. Đặc biệt, các bạn trẻ có dịp thể hiện tình yêu nước theo nhiều cách khác nhau và sáng tạo thông điệp một cách hấp dẫn”, Ngọc Hà nói.
Truyền cảm hứng cho cộng đồng
Nhìn nhận về hiện tượng này, ThS. Nguyễn Thị Mai Phương - chuyên gia tâm lý, công tác tại Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội, nhận định, một trong những nguyên nhân chính khiến giới trẻ tham gia vào các trào lưu ngắn ngày xuất phát từ tâm lý đám đông, sợ bị bỏ lỡ và không muốn lạc lõng so với bạn bè.
“Giới trẻ là nhóm dễ bị ảnh hưởng tâm lý từ đám đông, bởi độ tuổi này luôn mong muốn có sự kết nối xã hội, sợ bị lạc lõng hay tách biệt ra khỏi nhóm bạn bè và cộng đồng trực tuyến. Ngoài ra, tâm lý sợ bị bỏ lỡ khiến họ lo lắng rằng, nếu không tham gia sẽ không thể hòa nhập vào những cuộc trò chuyện chung và bị bỏ lại phía sau”, chuyên gia lý giải.
Theo ThS. Phương, “đu trend” là một hình thức giải trí và kết nối với bạn bè nhưng nếu chạy theo xu hướng liên tục, quá đà không chỉ khiến giới trẻ dễ bị cuốn vào vòng xoáy tiêu tốn thời gian, tiền bạc, mà còn dẫn đến nhiều hậu quả tâm lý tiêu cực. Việc liên tục xuất hiện những trào lưu mới có thể nhiều người cảm thấy áp lực và stress khi không theo kịp những xu hướng này, từ đó bỏ bê đời sống và giá trị thực.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ThS. Nguyễn Lương Diệu An - chuyên gia truyền thông, công tác tại Học viện Ngoại giao, cho rằng, không nên đánh đồng tất cả các trend mà phải nhìn nhận ở cả hai mặt. Bởi bản thân trend không xấu, mà cách đu trend mới quyết định nó đi theo hướng nào.
“Ví dụ như trào lưu flex có thể khiến nhiều bạn trẻ sống ảo, thể hiện bản thân quá đà hoặc nói dối để khoe khoang thành tích, nhưng nó cũng kích thích lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Bởi trend này khiến nhiều người cảm thấy thoải mái hơn để nói ra những gì họ làm được, từ đó truyền cảm hứng cho cộng đồng”, ThS. Diệu An nêu ví dụ.