Theo các hiệp hội, Dự thảo còn nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường (Nghị định 08) gây ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của cộng đồng DN. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, nhiều khoản chi phí trong dự thảo quy định việc sử dụng không đúng mục đích khoản đóng góp của DN.
Cụ thể, trong 11 loại chi phí của Văn phòng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) chỉ có một loại chi phí dùng để hỗ trợ tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải, còn 10 loại chi phí còn lại được sử dụng cho mục đích khác.
Chẳng hạn, chi phí cho hoạt động gửi tiền, hội thảo, lễ tân, khánh tiết, hỗ trợ hoạt động của Đảng, đoàn thể văn phòng EPR…không liên quan đến hoạt động tái chế, xử lý rác thải của DN. Tuy nhiên, dự thảo vẫn liệt kê một loạt và đưa vào danh sách chi thường xuyên rất tuỳ tiện. Ngoài ra, việc xét duyệt hỗ trợ tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải có nhiều quy định theo cơ chế xin-cho, với các tiêu chí không rõ ràng dẫn tới dễ nảy sinh tiêu cực.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Việt Nam cho rằng, hiện ở các nước tiên tiến như châu Âu và Mỹ, EPR do các hiệp hội doanh nghiệp tự đóng góp, tự quản lý, và thực hiện tại từng địa phương. Tuy nhiên, trong dự thảo lại tạo ra 1 cơ quan hành chính mới để quản lý tiền DN đóng góp (Văn phòng EPR), nhưng không cho DN tham gia quản lý. Mọi việc xin-cho tập trung ở Bộ TN&MT.
“Thông tư này khi đi vào thực hiện sẽ tác động đến hàng triệu DN. Chúng tôi mong cơ quan xây dựng Dự thảo lắng nghe và tiếp thu ý kiến để các DN cảm thấy an tâm trong việc thực hiện trách nhiệm vì môi trường và xã hội", bà Chi nói.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT cho biết, sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp của các hiệp hội và DN để hoàn thiện Dự thảo hơn. Mục đích là để hỗ trợ các đơn vị tái chế, xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường.