Dự thảo Luật PCTN chỉnh lý theo đúng Luật Báo chí

TP - Chiều 16-10, trao đổi với PV Tiền Phong về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho biết đã chỉnh lý quy định “báo chí có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu...”, theo đúng quy định của Luật Báo chí.

> Bảo vệ nguồn tin là đạo lý của nhà báo

Trước đó, ngày 18-9, thừa ủy quyền của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã trình dự thảo Luật PCTN sửa đổi ra Ủy ban thường vụ Quốc hội để thảo luận cho ý kiến.

Dự thảo Luật bổ sung quy định mới: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng” (quy định tại Khoản 4 Điều 101).

Với tư cách là cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, ngay sau đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, dự thảo cần quy định ngay về cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cũng như những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nghĩa vụ phải cung cấp khi có yêu cầu để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tuỳ tiện trong việc yêu cầu báo chí, phóng viên cung cấp thông tin về tham nhũng.

Quy định trên sau đó cũng vấp phải nhiều ý kiến phản bác của các chuyên gia pháp luật, các cơ quan công luận.

Báo Tiền Phong cũng có loạt bài phản biện, khẳng định quy định như Khoản 4 Điều 101 của dự thảo Luật PCTN đã trái với Điều 7 Luật Báo chí: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Các cơ quan công luận cũng thống nhất nhận định, quy định này còn trái với quy định về đạo đức hành nghề của nhà báo.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, Ban soạn thảo không nên đưa các quy định liên quan đến báo chí vào trong dự thảo Luật PCTN sửa đổi, bởi tất cả những vấn đề liên quan đến báo chí đã có Luật Báo chí điều chỉnh.

Sắp tới, khi sửa đổi Luật Báo chí, Điều 7 cần bỏ quy định Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và tương đương trở lên có quyền yêu cầu báo chí tiết lộ tên người cung cấp thông tin cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng. Cần quy định nhà báo đi tác nghiệp là hoạt động thi hành công vụ.

“Sau khi có các ý kiến phản biện về nội dung của Khoản 4 Điều 101, Ban soạn thảo đã họp chỉnh lý, quy định theo đúng tinh thần của Luật Báo chí, tránh vênh với luật này. Bản dự thảo mới nhất đã được chỉnh lý chuyển sang Quốc hội. Kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 22-10 tới đây dự kiến sẽ thảo luận, thông qua Luật PCTN sửa đổi” - ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Theo Báo giấy