Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ gặp khó

TPO - Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ có tổng vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2023 đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng cũng như khan hiếm nguồn vật liệu cát san lấp…

Báo cáo mới đây về dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ, giai đoạn 1), Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Cần Thơ cho biết, dự án hiện còn những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, về giải phóng mặt bằng, hiện khu tái định cư cho dự án chưa hoàn thành nên chưa có nền tái định cư cho các hộ dân đã được phê duyệt chính sách tái định cư. Ngoài ra, còn 68 trường hợp đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa nhận tiền do vướng thủ tục thừa kế, ủy quyền, sổ đỏ đang thế chấp ngân hàng, chưa đồng ý phương án.

Về đầu tư hạ tầng, do các dự án trọng điểm đang triển khai dẫn đến thiếu nguồn cung ứng vật liệu cát, giá cát tăng cao đột biến (dự kiến 125.000 đồng/m3 nhưng hiện nay giá 280.000-300.000 đồng/m3). Dự án cần khối lượng cát san lấp lớn nên điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi phí đầu tư, suất đầu tư tăng, dẫn đến giá thành cho thuê tăng, giảm mức độ cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp…

Trong khi đó, việc kết nối giao thông của dự án với đường nối cầu Vàm Cống chưa hoàn thiện, hiện nay phương án kết nối giao thông chủ yếu qua Quốc lộ 80 nhưng tuyến đường này cơ bản chưa đáp ứng nhu cầu giao thông cho khu công nghiệp. Nhu cầu bổ sung kết nối giao thông đường thủy thông qua các bến thủy nội địa để phục vụ cho khu công nghiệp là cần thiết.

Phối cảnh Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Sở KH&ĐT Cần Thơ kiến nghị UBND thành phố trình Chính phủ xem xét chỉ đạo các địa phương lân cận đưa ra đấu giá, khai thác các mỏ cát để tăng nguồn cung cát cho các dự án; thí điểm cho Khu công nghiệp VSIP sử dụng hỗn hợp tro xỉ tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) hoặc sử dụng cát biển tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng làm vật liệu thay thế cát san lấp trong dự án.

Sở KH&ĐT Cần Thơ cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu về quy trình, thủ tục thực hiện đấu giá quyền khai thác cát trên địa bàn thành phố để nhà đầu tư chủ động nguồn cát san lấp phục vụ các dự án trọng điểm.

Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tập trung trình phê duyệt đầy đủ tài sản hộ dân bị ảnh hưởng, hỗ trợ, hướng dẫn người dân lập các thủ tục pháp lý có liên quan. Phối hợp cùng địa phương, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ đã được phê duyệt và đồng thuận bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

UBND huyện Vĩnh Thạnh xây dựng kế hoạch chi tiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án khu tái định cư; sớm hoàn thành thi công 2 tuyến đường đảm bảo kết nối giao thông cho khu công nghiệp…

Công ty Cổ phần VSIP Cần Thơ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt. Liên hệ Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét về nội dung điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với việc sử dụng hỗn hợp tro xỉ than tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh…

Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) có tổng vốn đầu tư 3.717 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2023. Đây là dự án khu công nghiệp Việt Nam - Singapore thứ 13 trên cả nước và đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long.

VSIP Cần Thơ được quy hoạch với tổng diện tích 900 ha, dự kiến khi hoàn chỉnh sẽ tạo việc làm cho 100.000 lao động, thu hút 3,5 tỷ USD. Giai đoạn 1 có diện tích hơn 293 ha, trước mắt sẽ tạo việc làm cho 20.000-30.000 lao động.

Được định hướng xây dựng theo mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững, dự án đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam, thiết lập mạng lưới logistics “từ trung tâm đến cảng” và hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.