Dòng tiền có trở lại?

TP - Chỉ còn ít ngày nữa, tháng 7 âm lịch - tháng được xem là tối kỵ với giới đầu tư chứng khoán và dân buôn bất động sản sẽ kết thúc. Liệu chuỗi ngày giao dịch èo uột của thị trường chứng khoán và “đóng băng” của bất động sản có biến đi.

> VAMC 'kích' tiền vào chứng khoán?

Sau kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, những kỳ vọng tín hiệu tốt từ xử lý nợ xấu, từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có giúp nhà đầu tư giao dịch hưng phấn hơn và khiến dòng tiền có đổ vào thị trường?

“Tháng cô hồn”

Tính từ đầu tháng 8/2013 đến nay (rơi vào tháng 7 âm lịch), sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế ở cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index. Trên sàn HSX, VN-Index loay hoay mãi vẫn không thể trụ lâu ở mốc 500 điểm, thậm chí trong những ngày gần đây chỉ số này giảm mạnh và hiện tại đang giao dịch quan mức 470 điểm, mức thấp nhất trong hơn 5 tháng gần đây.

Thống kê cho thấy, khối lượng giao dịch trên sàn HSX tháng 8/2013 giảm hơn 13% so với tháng trước đó. Thanh khoản sụt giảm mạnh đã khiến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư thêm nặng nề và chán nản. Một số nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Rồng Việt cùng chia sẻ, thị trường bi quan quá và không có thông tin hỗ trợ nên giao dịch không có động lực. Hơn nữa, làn sóng suy nghĩ tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn đã chi phối nên việc mua bán cũng dè chừng hơn.

Chị Tuyết, nhà đầu tư sàn SSI cho hay, mặc dù đã loại bỏ gần hết các cổ phiếu nhỏ trong danh mục của mình và chỉ giải ngân cho cổ phiếu vừa và lớn. Tuy nhiên, chỉ trong tháng qua các cổ phiếu mà chị nắm giữ cũng bị sụt giảm mạnh. Theo nhà đầu tư này, trong tháng qua hầu hết mọi người đều có suy nghĩ phải kiêng kỵ trong kinh doanh do đó mà tâm lý “bỏ mặc” thị trường khiến tiền không thể vào được.

Theo ông Phan Dũng Khánh -Trưởng Phòng Tư Vấn Đầu Tư CTCK Maybank KimEng, đúng là tâm lý của nhà đầu tư và dân kinh doanh thường kiêng cữ trong tháng 7 âm lịch có phần ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch. Tuy nhiên, ông Khánh phân tích chứng khoán giảm mạnh trong 8/2013 vừa qua còn có nhiều nguyên nhân.

Động thái bán ròng liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài để rút tiền về khiến cho nhà đầu tư nội bị ảnh hưởng không dám mua vào mà cũng không bán ra. Do đó nhiều cổ phiếu lớn bị bán mạnh gây áp lực lên các chỉ số, trong khi đó các cổ phiếu trung bình khác chỉ rớt nhẹ, thậm chí vẫn có mã tăng. Hơn nữa, thị trường chứng khoán thế giới trong thời gian qua sụt giảm mạnh nên tâm lý nhà đầu tư Việt Nam cũng bị ảnh hưởng chung.

Cũng trong khoản thời gian này, nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Kết quả kinh doanh khá thấp so với kỳ vọng và cùng kỳ những năm trước điều này càng làm tăng thêm sự chán nản của nhà đầu tư. Ông Khánh cho rằng, trong thời buổi kinh tế khó khăn thì các dự báo của nhà đầu tư về hoạt động doanh nghiệp thường sát với thực tế. Do đó, khó có thể kỳ vọng một con sóng nào, cũng như một vài tin tốt cũng khó thay đổi cục diện của thị trường.

Dòng tiền sẽ trở lại?

 

Sau những ngày giao dịch lận đận, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ lấy lại đà tăng trở lại khi kết thúc kỳ nghỉ Lễ 2/9 sắp tới. Một thống kê nhanh cho thấy, thị trường sau kỳ nghỉ thường phục hồi so với trước đó. Thống kê biến động chỉ số VN-Index trong 12 năm qua thì có 7 năm chỉ số này tăng điểm trong tháng 9, tức sau kỳ nghỉ Lễ Quốc Khánh, trong đó có 6 lần thị trường tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tiên.

Anh Long, một nhà đầu tư cho hay, sau kì nghỉ lễ cũng là thời điểm kết thúc tháng cô hồn, nhiều khả năng sẽ có dòng tiền lớn đưa vào thị trường, các nhà đầu cơ lướt sóng sẽ có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Ông Phan Dũng Khánh nhận định, xu hướng thị trường sẽ tăng điểm trở lại trong tháng 9 tới. Nguyên nhân là do thị trường đã giảm khá sâu thời gian qua và sau khi tâm lý giao dịch thoải mái hơn thì dòng tiền sẽ được giải ngân mạnh. Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng sẽ không có thông tin tích cực nào hỗ trợ thị trường trong tháng tới, có chăng là những nỗ lực của Chính phủ để duy trì tốt các chính sách hiện tại.

Tuy nhiên cũng có quan điểm thận trọng cho rằng, thị trường chưa thể dự đoán được động thái tiếp theo của khối ngoại là họ có tiếp tục bán ròng mạnh nữa hay không vì điều này ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nội. Nhận định này không phải là không có cơ sở vì tính từ đầu năm đến nay biến động của thị trường chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi lực mua của khối ngoại.

Theo nhận định của CTCK FPT, thanh khoản của thị trường là vấn đề đáng lo ngại ở thời điểm hiện tại khi sụt giảm về thấp hơn mức trung bình của 5 phiên và đang là nguyên nhân gây khó khăn cho nỗ lực hồi phục của chỉ số. Ngoài ra, những thông tin liên quan đến lạm phát, nợ xấu và biến động bất ổn của thị trường thế giới gần đây cũng khiến cho nhà đầu tư cầm tiền do dự, chưa sẵn sàng tham gia thị trường trở lại. Nếu như diễn biến này vẫn không có sự thay đổi tích cực hơn thì thị trường sẽ gặp khó khăn trong những phiên tới, diễn biến xấu hơn có thể sẽ xuất hiện khi lượng cổ phiếu quay vòng giá rẻ về tài khoản khiến áp lực bán tăng trở lại.
Theo Báo giấy