Có vợ vẫn đóng giả chú rể
Ngày 31/3, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 41 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại đây, những thủ đoạn tinh vi như giả danh cô dâu, chú rể, người nhà… của các đối tượng để lừa tiền hàng loạt chủ dịch vụ gia chánh dần được bóc trần.
Theo đó, để tạo lòng tin với các chủ dịch vụ gia chánh trên địa bàn cũng như tránh bị phát hiện, 41 đối tượng do H’Bluên Kriêng (trú buôn Aring, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) được xác định là chủ mưu đã bàn bạc, chia thành từng nhóm như: Nhóm tìm gọi các cơ sở gia chánh, nhóm đóng giả người có nhu cầu đặt tiệc (đám cưới, sinh nhật, mừng thọ...), nhóm giả cô dâu, chú rể, chủ nhà… lừa ký hợp đồng đặt tiệc. Sau đó, nhóm này dùng nhiều cách khác nhau để chủ dịch vụ gia chánh cho ứng, mượn trước tiền, chuẩn bị đám, tiệc.
Đơn cử, trong phi vụ cho dịch vụ gia chánh Hoa Nỡ (huyện Krông Pắc) “vào tròng”, H’Bluên đã lên kế hoạch, chia nhiệm vụ cho từng người. Cụ thể, H’Bluên dẫn bà Hoa - chủ cơ sở dịch vụ gia chánh này đến nhà H’Brih Ayun (buôn Ho, xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar) chỉ địa điểm tổ chức tiệc cưới cho Mri Byă (đóng giả cô dâu) và Y Ngôn Niê (27 tuổi, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, đã có vợ và 2 con) đóng giả làm chú rể.
Tại đây, H’Bơi Ayun (trú xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar, đóng giả mẹ cô dâu) lấy lý do cần tiền lo một số việc cho đám cưới để mượn 25 triệu đồng của bà Hoa. Sau khi lấy được tiền, nhóm người trên chia nhau tiêu xài, chứ không đặt tiệc, cũng không trả lại tiền như hợp đồng giao kèo trước đó.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019, H’BLuên Kriêng cùng với 40 đồng bọn, chủ yếu là nữ, thực hiện 101 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng của 13 cơ sở gia chánh trên địa bàn tỉnh.
Một trong những cơ sở gia chánh bị lừa nhiều nhất là Ngọc Thanh (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) với 18 vụ, tổng số tiền lên tới hơn 270 triệu đồng. Đại diện chủ gia chánh cho hay, dân ở nông thôn thường không có tiền để lo đám tiệc. Do đó, sau khi ký hợp đồng đặt tiệc, các chủ gia chánh hay cho chủ nhà ứng trước từ vài triệu đến 20 triệu đồng để lo một số việc. Tiệc xong, gia chủ sẽ lấy tiền mừng để thanh toán đầy đủ cả tiền đặt tiệc và tiền ứng cho chủ gia chánh. Tuy nhiên, nhóm đối tượng trên đã lợi dụng việc này để “giăng bẫy” các chủ cơ sở gia chánh.
Liều vì tiền
Ôm con nhỏ mới sinh đến tòa, H’Ngon Niê (xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar) rưng lệ cho hay, vì cần tiền trả nợ mới phải đi vay tiền của các chủ gia chánh. H’Ngon kể, hai vợ chồng làm nông, nhà lại ít đất rẫy nên luôn cảnh túng thiếu. Năm 2019, H’Ngon quen biết và tâm sự với bà H’Môi Ayun (người cùng xã, cũng là bị cáo trong vụ án) về hoàn cảnh gia đình. Sau đó, bà H’Môi “mách nước” tham gia vào nhóm mượn tiền của các cơ sở gia chánh. Vốn không biết chữ, H’Ngon tin lời và làm theo, đóng giả chủ nhà cần tiền lo tiệc sinh nhật cho con, làm đám cưới cho em… để lừa nhiều chủ gia chánh với số tiền hơn 50 triệu đồng. Khi đối mặt với vòng lao lý, H’Ngon rất hối hận, lo sợ con nhỏ thiếu vắng mẹ nếu phải vào tù.
Cũng vì nợ nần, liên tục bị chủ nợ đòi tiền, H’Bơi Ayun (trú xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar) đi theo bà H’Môi Ayun để lừa tiền các gia chánh. H’Bơi khai do không biết chữ, nhận thức hạn chế “chỉ nghĩ mượn tiền, khi nào có trả lại” nên mới tham gia. Tổng số tiền H’Bơi “mượn” của các chủ gia chánh là 57 triệu đồng. Với số tiền này, bị cáo chia lại cho đồng bọn, bản thân chỉ nhận 11 triệu đồng. Tại tòa bị cáo liên tục xin các chủ gia chánh cho khất nợ, để đi làm thuê kiếm tiền trả.