> BĐS giảm giá: Chưa vội mua, chờ xem đã...
Canh bạc mới
Sau một thời gian án binh bất động nằm nghe ngóng tín hiệu thị trường, mới đây bà N.T.N, một nhà đầu tư bất động sản nghiệp dư tại khu vực quận 7, TP.Hồ Chí Minh quyết định mở két lấy vàng đi mua nhà đất.
“Giá nhà đất hiện đã xuống đáy và thời điểm này mua vào là rất tốt”- bà N.T.N phân tích.
Theo bà N.TN, sau một thời gian “găm” vàng, bà nhận thấy thời gian tới giá vàng sẽ khó có khả tăng mạnh như thời gian qua.
Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy trong thời gian tới giá nhà đất sẽ không thể xuống nữa, hoặc nếu có cũng không đáng kể.
Từ những phân tích kể trên, bà N.TN đi đến nhận định, vàng sẽ không còn lãi lớn trong thời gian tới. Còn giá nhà đất sẽ “đi ngang” một thời gian và sau đó nhích lên. Đó là lý do bà quyết định đầu tư “đón đầu”, mặc dù số vàng đổ ra để mua nhà đất còn rất dè dặt.
Bà cho biết, khác với trước đây bà từng làm, lần này bà chọn kinh doanh loại nhà đất nhỏ, và căn nhà đầu tiên bà chọn mua nằm gần một trường học trên đường Lâm Văn Bền (Q.7) rộng chừng 35m2. Cũng theo bà N.T.N, vì loại nhà đất nhỏ, ít tiền, dễ mua đi bán lại quay vòng vốn nhanh.
Gần đây, bà Hoàng Thi (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cũng quyết định “thoát” một phần khỏi vàng và chứng khoán để “chui” vào đất.
“Thời điểm này “chui” vào đất ngon ăn hơn vàng, chứng khoán” - bà Thi quả quyết, đồng thời cho biết, chủ trương của bà là kinh doanh những miếng đất diện tích nhỏ nằm trong các ngõ xóm.
Với 30-50 m2/lô và giá bán dao động trên dưới 400 triệu đồng/lô thích hợp với những người mới lập gia đình, dân nhập cư. Cho nên, mỗi tháng bán được vài ba miếng đất, mỗi miếng lời không dưới 50 triệu đồng.
Theo bà Thi, thị trường bất động sản đang đóng băng, khả năng sinh lời trong lúc này là rất khó. Tuy nhiên nếu biết cách và chọn đúng đối tượng phục vụ thì kết quả rất khả quan.
May ít, rủi nhiều
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi đầu tư từ vàng sang bất động sản ẩn chứa nhiều rủi ro cho người kinh doanh.
“Bán vàng mua nhà rất dễ, trong khi bán nhà mua vàng không dễ”- Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.
Ông cho rằng, trong trò chơi về tài sản tài chính, bên cạnh nguyên tắc lợi nhuận cần lưu ý đến yếu tố thanh khoản. Xét về thanh khoản, vàng “đẹp hơn” bất động sản rất nhiều.
Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về thanh khoản trong điều kiện trung bình, TS Thành cho rằng tại Việt Nam hiện nay đứng số một là tiền đồng, thứ hai là đồng đô la, tiếp theo là vàng, cổ phiếu, trái phiếu và cuối cùng là nhà đất. Lúc khó khăn, nên để số thanh khoản cao hơn lợi nhuận, lúc bình thường thì để lợi nhuận cao hơn thanh khoản.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí - nguyên chuyên gia kinh tế cao cấp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng giá nhà đất rẻ hơn vàng, chứng khoán còn rẻ hơn. Vì thế dự đoán được giá vàng trong ngắn hạn, nên không có ý khuyến khích đầu cơ hay lướt sóng dù giá vàng có nhiều khuynh hướng tăng hơn là giảm.
Để hạn chế rủi ro, theo ông Chí không nên bỏ hết trứng vào một giỏ. “Vàng nên có mặt trong một danh mục đầu tư cá nhân dài hạn, khoảng 10% nếu ít tin tưởng và 20% nếu tin tưởng giá trị “phòng thủ” lạm phát của vàng. Bên cạnh đó, có thể chọn nhà đất là tài sản dài hạn”- ông Chí nói.
Nhiều người lo ngại rủi ro đối hệ thống khi việc “bán đất mua vàng” tái phát.
Ông Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch Công ty SX Mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) nói “Nợ xấu ngân hàng hiện nay cũng do bán vàng để mua đất. Trước đây khi đất sốt, người dân bán vàng ra mua đất bằng mọi giá. Giả sử 1 công đất giá 100 triệu, người ta sẵn sàng mua 120 triệu. Sau đó người ta móc nối với các nhân viên ngân hàng tiến hành thẩm định giá rất cao, từ đó ngân hàng cho vay cao. Và xong, đất không còn lên giá mà tuột xuống nên sinh ra nợ xấu. Khi người dân thấy nợ xấu cao sẽ không dám bỏ vàng ra làm ăn.