Đã có 100% các tỉnh, thành phố báo cáo có người nhiễm HIV và một số tỉnh, thành phố có 100% số xã, phường báo cáo có người nhiễm HIV.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, TPHCM là địa phương có tổng số người nhiễm cao nhất, chiếm gần 1/3 số người nhiễm được phát hiện trên toàn quốc.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, (Bộ Y tế) cho biết hình thái lây nhiễm HIV ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dịch tập trung.
Tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma túy, cao trong nhóm gái mại dâm và đã có dấu hiệu lan ra cộng đồng thể hiện qua tỷ lệ nhiễm HIV tăng trong nhóm phụ nữ mang thai và thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự trong những năm gần đây.
Hiện 63/63 tỉnh, thành đã triển khai điều trị thuốc kháng virus ARV.
Trên cả nước đã có 288 điểm điều trị bằng thuốc đặc hiệu ARV, đang điều trị thuốc ARV cho 35.126 bệnh nhân, trong đó có 33.116 bệnh nhân AIDS người lớn, 1.879 trẻ em nhiễm HIV/AIDS và 131 bà mẹ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Trong 9 tháng đầu năm 2009, trên toàn quốc đã tư vấn trước xét nghiệm HIV trước khi sinh cho 298.934 phụ nữ mang thai, trong đó xét nghiệm cho 171.017 người và đã phát hiện 453 phụ nữ mang thai nhiễm HIV (trong đó có 369 trường hợp được điều trị dự phòng).
Số trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sống là 439 trẻ, số được dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang cho là 428 trẻ. Số trẻ em được xét nghiệm khẳng định tình trạng HIV khi trẻ 18 tháng tuổi là 223 trẻ, điều trị dự phòng bằng Cotrimoxazol theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho 284 trẻ nhiễm HIV.
Dịch HIV có xu hướng chững lại và không tăng nhanh như những năm trước đây trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, gái bán dâm, nhưng có xu hướng gia tăng trong nhóm phụ nữ mang thai và đa dạng hóa đối tượng nhiễm ở nhiều ngành nghề khác nhau như công nhân, trí thức, học sinh, sinh viên.
Mặc dù dịch HIV đã có chiều hướng chững lại nhưng vẫn chứa đựng các yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch trong cộng đồng nếu không triển khai các biện pháp can thiệp một cách hiệu quả.
TS Nguyễn Thanh Long chia sẻ, mặc dù kết quả đạt được là rất đáng phấn khởi, tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngành y tế cũng phải đối mặt với một số khó khăn.
Cụ thể đến nay cơ bản chưa khống chế được dịch HIV ở Việt Nam, vẫn tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ làm lan tràn HIV ở Việt Nam nếu không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
Đối với việc can thiệp giảm tác hại dự phòng nhiễm HIV, độ bao phủ chương trình mới chỉ đạt 50 phần trăm số huyện thị, kinh phí còn hạn chế, sự đồng thuận một số địa phương chưa cao.
Bên cạnh đó, số bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận điều trị thuộc ARV tại những tỉnh trọng điểm ngày càng tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải cho các cơ sở điều trị ngoại trú.
Chưa có cơ chế tổ chức hoạt động cụ thể đối với các phòng khám ngoại trú tại các tuyến, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ là công tác điều trị còn có nhiều bất cập...