Chị Tạ Thị Miên, mẹ cháu Phan Thế Huy (ở thôn Phú Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết, Huy bị phát hiện mắc bệnh hẹp khí quản bẩm sinh lúc hai tuổi. Mỗi năm hai lần, chị đưa con vào TPHCM chữa bệnh. Các bác sĩ đã cắt bỏ ống thanh quản bị hẹp rồi đặt ống thở ngay dưới cổ Huy.
Chiếc ống thở trở thành vật bất ly thân, nhưng Huy cũng không thể nói được vì dây thanh quản bị liệt. Bé cũng không thể tham gia các trò chơi với bạn. Chỉ cần sơ ý đùa nghịch là có thể lên cơn đau, khó thở, và tím tái người. Chưa kể nếu nô đùa làm vấy bẩn ống thở sẽ gây nhiễm trùng đường thở. Chị Miên bảo: “Tôi sợ nhất những ngày mùa đông, trời lạnh, cháu dễ bị viêm đường hô hấp”.
Đủ 6 tuổi, Huy vào lớp 1 gần nhà. Hiểu rõ bệnh của Huy nên cô giáo không bao giờ gọi bé phát biểu ý kiến. Vậy mà hai năm đi học, Huy đều đạt danh hiệu tiên tiến.
Ca mổ thay đổi cuộc đời
Một ngày cuối năm 2011, các bác sĩ BV Nhi vô tình biết về tình trạng của Huy nên tài trợ toàn bộ chi phí cho em ra Hà Nội chữa bệnh.
Năm nào BV Nhi T.Ư cũng chữa thành công cho nhiều bệnh nhi bị hẹp khí quản bẩm sinh, do các cháu được điều trị khi còn nhỏ. Trường hợp của Huy, độ dài đường hẹp lớn, vết sẹo do xơ hóa lâu ngày rất dày. Lần đầu tiên tại BV Nhi, các bác sĩ phải sử dụng tới hai đoạn sụn sườn để ghép làm khí quản cho Huy.
“Những ngày hậu phẫu, khi bỏ ống thở rồi cai máy thở cho Huy, nhiều lần chúng tôi thót tim khi thấy có lúc cậu bé như ngừng thở”, GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, nói.
Ngồi trên giường bệnh, Huy đang tập nói một cách miệt mài để phục hồi dây thanh. Không còn tiếng nói phều phào không ai hiểu nghĩa như trước đây nữa. Giờ Huy có thể nói được tròn vành rõ chữ những câu nói ngắn đầu tiên trong đời.