Độc đáo những cọn nước khổng lồ ở bản Nà Khương, Lai Châu

TPO - Gần 30 cọn nước khổng lồ ở bản Nà Khương đã trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến với tỉnh Lai Châu.

Các cọn nước (guồng nước) không xa lạ với khách du lịch mỗi khi lên vùng miền núi phía Bắc, nhưng ấn tượng về số lượng và kích thước phải kế đến hàng cọn nước ở bản Nà Khương (xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).

Gần 30 cọn nước khổng lồ ở bản Nà Khương (Tam Đường, Lai Châu).

Nà Khương cách TP. Lai Châu khoảng 30 km, cách thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) 40 km. Thời điểm lý tưởng để đến Nà Khương là vào mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm. Trong khoảng thời gian này, dù lúa xanh hay lúa chín, khung cảnh đều rất nên thơ, hữu tình.

Những cọn nước nằm cạnh các con suối lớn.

Những cọn nước được xem là công trình thủy lợi của đồng bào người Thái ở Nà Khương.

Để làm cọn nước, người Thái ở Nà Khương chọn một thanh gỗ chính để làm trục giữa, thanh gỗ này nhẹ, bền và có khả năng chịu nước tốt. Tiếp đến là công đoạn làm nan cọn. Những nan cọn được làm bằng cây vầu có thân thẳng. Sau đó, những cây nứa già được chẻ mỏng rồi ghép lại thành từng tấm phên mỏng hình chữ nhật để làm cánh quạt, khi nước chảy tác động vào những tấm phên này sẽ tạo ra lực đẩy làm quay cọn và cuốn nước đổ lên cao.

Đồng bào dân tộc Thái khéo léo dựng lên những cọn nước khổng lồ.

Người Thái ví những cọn nước này là "những chiếc máy bơm nước khổng lồ", mang nguồn nước đến đồng ruộng.

Những cọn nước khổng lồ được xếp thẳng tắp, tạo nên công trình thuỷ lợi hoành tráng.

Công trình thuỷ lợi này góp phần chủ động cho việc sản xuất nông nghiệp của đồng bào nơi đây.

Tới Nà Khương, du khách được thưởng thức các món ăn địa phương, mặc những bộ trang phục dân tộc truyền thống và được hòa mình cùng nắng, gió của núi rừng. Ngoài ra, để trải nghiệm cuộc sống của người dân ở Bản Bo, du khách cũng có thể đi bắt cá và chế biến món cá nướng ngay bên bờ sông Nậm Mu.

Khách du lịch tham quan cọn nước khổng lồ ở bản Nà Khương (Tam Đường, Lai Châu).

Những cọn nước giờ đây đã trở thành một biểu tượng, là bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở Lai Châu.