Doanh nhân lên tiếng về việc “không sản xuất được ốc vít”

TPO - Những doanh nghiệp "ăn xổi ở thì", chuyên nhận dự án rồi bán thầu thì đúng là đến cái ốc vít cũng không sản xuất được. Song bên cạnh đó còn rất nhiều doanh nghiệp dám đầu tư có chiều sâu, sớm làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại - một doanh nhân chia sẻ.
Lễ hạ đặt roto 1.000 tấn tại nhà máy thuỷ điện Lai Châu. Ảnh: MĐ

Không thể  "ăn xổi ở thì"

Ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (bên trái) trong lễ hạ roto 1.000 tấn. Ảnh: MĐ

Câu chuyện doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam không đáp ứng nổi đơn hàng là sạc pin, ốc vít theo đơn đặt hàng của Samsung từng “nóng” lên trên diễn đàn Quốc hội. Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) từng than: “Nước ta mỗi năm đào tạo bao nhiêu tiến sĩ, kỹ sư, mà tại sao không sản xuất nổi con ốc vít, vậy làm sao có thể tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu?”.

Trò chuyện với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) cho rằng, thực tế, có một số doanh nghiệp làm ăn kiểu “ăn xổi ở thì”, nhận thầu rồi bán lại cho các đơn vị khác để hưởng “hoa hồng”. Do vậy, nói họ không sản xuất được... ốc vít hoàn toàn có cơ sở. Việc này vừa gây ảnh hưởng đến uy tín của nhiều doanh nghiệp khác vừa làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, ở Việt Nam không ít doanh nghiệp đầu tư có chiều sâu, dám bỏ ra cả tỷ đô để đầu tư trang thiết bị máy móc, nhà xưởng, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Nguyễn Tăng Cường đã dẫn chứng về việc hạ đặt thành công roto nặng 1.000 tấn tại nhà máy thuỷ điện Lai Châu vào ngày 14/10 vừa qua.

Ông Nguyễn Tăng Cường nói: "Cần cẩu xí nghiệp chúng tôi chế tạo có tỷ lệ nội địa hóa tới 90%. Bằng các giải pháp sáng tạo như chế tạo hộp số hành trình; chế tạo vành mâm xoay cho các cần cẩu chân đế; bộ điều khiển động cơ lồng sóc kiểu biến tần; dự ứng lực cho các sản phẩm kết cấu và công nghệ đúc chính xác trong chân không… Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã làm chủ được công nghệ sản xuất cần cẩu nặng hàng nghìn tấn để phục vụ các công trình thủy điện, nhiệt điện… góp phần tiết kiệm hàng triệu USD cho đất nước”.

Có mặt tại nhà máy thuỷ điện Lai Châu, PV trực tiếp chứng kiến hệ thống cẩu trục 1.200 được điểu khiển từ xa, hoạt động nhẹ nhàng nhấc chiếc ro to có trọng lượng 1.000 tấn rồi di chuyển đến khu vực stato. Chỉ trong ít phút, chiếc roto được hạ đặt chính xác vào trong lòng chiếc stato,  độ chính xách tính bằng centimet. Việc hạ đặt thành công roto tổ máy số 1 góp phần đưa Nhà máy thuỷ điện Lai Châu vượt tiến độ 12 tháng.

Lễ hạ rô to 1.000 tấn tại thuỷ điện Lai Châu. Ảnh: MĐ

Trí tuệ Việt hiện hữu ở thuỷ điện Lai Châu

Năm 2012, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung từng cung cấp hệ thống cẩu trục 1.200 tấn hạ đặt thành công roto nặng 1.000 tấn vào 6 tổ máy của nhà máy thuỷ điện Sơn La. Việc hạ đặt thành công roto là một trong những khâu quyết định đưa nhà máy thuỷ điện Sơn La cán đích sớm hơn dự kiến 2 năm.

Trao đổi với PV Tiền Phong về sự kiện hạ đặt roto, ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, từ dự án Thủy điện Sơn La, đến nay là dự án thủy điện Lai Châu doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước đã đảm nhận được gần như 100% phần việc, không cần phải nhà thầu nước ngoài.

"Đây là một tín hiệu cho thấy ngành cơ khí chế tạo trong nước đã có một tầm cao mới. Điều này phù hợp với chủ trương, kỳ vọng của Chính phủ về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy điện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước”- ông Lâm nói.

Theo ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La- Lai Châu, không phải đến Thủy điện Lai Châu mới lựa chọn nhà thầu trong nước, mà ở Thủy điện Sơn La (công trình thủy điện lớn của khu vực Đông Nam Á) cũng đã lựa chọn Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung thực hiện phần việc này.

"Việc doanh nghiệp trong nước sản xuất, chế tạo sẽ đạt được 3 mục tiêu. Thứ nhất là nâng cao năng lực nhà thầu trong nước, thứ hai là chủ động trong việc làm chủ công nghệ mà trước đây hoàn toàn phải nhập từ nước ngoài, thứ ba sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với việc phải mua của nước ngoài”- Giám đốc BQL dự án Nhà máy thủy điện Sơn La- Lai Châu nói.

Ông Phương cũng cho biết, với tiến độ như hiện nay đến cuối năm có thể phát điện ở tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Lai Châu.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF), Việt Nam lọt vào danh sách 10 quốc gia có số lượng kỹ sư lớn nhất thế giới với 100.390 kỹ sư tốt nghiệp/năm. Theo thống kê của Bộ KH&CN, cả nước có 24.300 tiến sĩ (TS) và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó TS tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.