Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) - cho rằng, cần định vị lại vai trò của doanh nghiệp bán lẻ hiện nay do có những doanh nghiệp chuyên bán lẻ có nhiều cửa hàng và giá trị tài sản lên tới cả nghìn tỷ đồng. Theo ông Tây, theo Điều 11 của Luật Thương mại, các doanh nghiệp bán lẻ cần được cho phép lấy hàng ở nhiều nguồn.
Nghị định 95 chỉ cho lấy hàng một nơi duy nhất nên thời gian qua đã đứt gãy nguồn hàng và nguy cơ sẽ còn tiếp diễn thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp bị lỗ. Ông Tây cũng cho rằng, Nghị định 95 đang có kẽ hở lớn khi không quy định cụ thể, mà buông cho thị trường quyết định chung chung phần chi phí định mức của doanh nghiệp và doanh nghiệp đầu mối là nơi được tự định đoạt việc phân chia này. “Quy định tính chi phí cho doanh nghiệp đã có, nhưng không rõ ràng, và không có chế tài cụ thể. Nếu không phân chia rõ thì sau này thị trường sẽ tiếp tục bất ổn là điều khó tránh khỏi”, ông Tây nói.
Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Giang nói rằng, các doanh nghiệp bán lẻ đang phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ liên quan đến cung ứng xăng dầu cho đất nước nhưng lại không được đảm bảo quyền lợi đáng được hưởng. Hiện với hơn 9.000 cửa hàng của các doanh nghiệp bán lẻ, với quy mô tồn kho để kinh doanh khoảng 50 m3/cửa hàng, tổng lượng dự trữ của các doanh nghiệp lên tới xấp xỉ nửa triệu tấn xăng dầu. Quy đổi theo giá hiện nay, giá trị hàng hóa tồn trữ đảm bảo ổn định từ 7 - 10 ngày lên tới hơn 10.500 tỷ đồng. Đây là nguồn dự trữ ổn định do chính doanh nghiệp bán lẻ tạo ra, Nhà nước không phải bỏ vốn đầu tư, chi phí quản lý, vận hành lại được bố trí dàn trải trên khắp cả nước, góp phần ổn định an ninh năng lượng tại chỗ, kịp thời.
Dù đóng góp rất lớn cho đảm bảo an ninh năng lượng nhưng các doanh nghiệp bán lẻ đang thiệt đơn thiệt kép khi không được tính đủ chi phí để vận hành, bị doanh nghiệp đầu mối cắt chiết khấu về 0 đồng, có thời điểm doanh nghiệp phải bỏ thêm tiền để mua xăng dầu về bán dưới giá thành. Ước tính giai đoạn cao điểm từ tháng 3/2022 đến nay, số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Nếu tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài, sức chịu đựng của doanh nghiệp có hạn và sẽ dẫn đến tình trạng buộc phải xin rút giấy phép và ngừng kinh doanh.
“Kiến nghị Ban soạn thảo sửa Nghị định về xăng dầu ghi nhận chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Chi phí kinh doanh định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có chi phí kinh doanh và chi phí định mức cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 3 - 3,5% tính trên giá bán lẻ trước thuế tại thời thời điểm bán ra”, giám đốc một doanh nghiệp đề xuất. Ông cũng cho rằng, cần để doanh nghiệp bán lẻ được hưởng lợi nhuận định mức như các doanh nghiệp đầu mối đang được hưởng hiện nay.