Thông tin trên được ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, người được mệnh danh “vua tôm” - cho biết ngày 26/3.
Theo ông Lê Văn Quang, dù là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm đứng đầu thế giới, nhưng sản lượng tôm cung cấp cho thị trường nội địa chưa đến 1%, có lúc chỉ đạt 0,5%.
Lý giải nguyên nhân, ông Phú cho biết do giá tôm của công ty cao hơn các loại tôm trong nước, trong khi người tiêu dùng thường hay so sánh giá. “Tuy nhiên không thể có chuyện giá rất rẻ mà sản phẩm cực tốt được” - ông Quang nói.
Theo ông Quang, dù bán tôm cho thị trường nội địa nhưng ông muốn đưa con tôm đạt chuẩn xuất khẩu đến tay người tiêu dùng. Tại những quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… kiểm tra nghiêm ngặt tiêu chuẩn kháng sinh đối với các sản phẩm tôm, nếu phát hiện sẽ ngay lập tức không được xuất khẩu, trả hàng và phạt rất nặng.
Do đó, Minh Phú cũng phải siết chặt các quy trình từ thu mua, giám sát, chế biến… Doanh nghiệp có đội ngũ hơn 300 người chỉ làm nhiệm vụ làm nhiệm vụ đến tận ao tôm để lấy mẫu kiểm soát, giám sát chất lượng, phải đảm bảo không có dư lượng kháng sinh mới thu mua. Do đó đẩy giá thành tôm lên cao.
Trước câu hỏi những ao tôm nhiễm kháng sinh thì tôm có bị đổ bỏ không? “Vua tôm” Minh Phú cho rằng, không có chuyện tôm nhiễm kháng sinh bị đổ bỏ nhưng sẽ được tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch với giá rất rẻ so với thị trường từ 20%, thậm chí tới 50%.
“Chúng tôi mong muốn đưa được hàng Việt ngon nhất, tốt nhất đến người tiêu dùng trong nước. Chúng tôi cũng đang cung cấp cho các hệ thống siêu thị, nhà hàng, quán ăn… nhưng doanh thu hiện tại nội địa chưa tới 1%, nên luôn suy nghĩ làm sao tăng lên từ 5 - 10%” - ông Quang cho biết.