Doanh nghiệp thích vay ngoại tệ: Không làm cũng có ăn!
Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với mức tăng dư nợ đồng nội tệ do chênh lệch lãi suất (LS) cho vay VND và cho vay USD. Tình trạng này gây tiềm ẩn rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô khi cung-cầu ngoại tệ của hệ thống NH bị lệch, làm mục tiêu chống đôla hóa ngày càng trở nên xa vời. Theo các chuyên gia, cần phải thu hẹp hơn nữa đối tượng vay ngoại tệ.
Vay USD bán lại cho NH
Hiện nay, LS vay USD từ 5%-8,5%/năm, thấp hơn rất nhiều LS vay nội tệ (18%-24%/năm). Đó là chưa kể có NH cho vay USD với LS rẻ hơn như BIDV 3,8%/năm (nhưng kèm theo điều kiện bắt buộc về thanh toán và bán USD cho NH). Có thể đưa ra ví dụ để thấy lợi ích của doanh nghiệp (DN) khi vay bằng ngoại tệ. Phương án 1: DN X vay 1 triệu USD thời hạn 1 năm, lãi suất 5%/năm.
Số tiền trả lãi hằng năm là 1 triệu USD x 5%/năm = 50 nghìn USD (tương đương 1,025 tỉ đồng nếu tỉ giá 20.500VND/USD). DN X vay xong, bán USD lấy VND sản xuất kinh doanh, khi có nguồn thu xuất khẩu (XK) thì đem trả nợ NH. Vay theo phương án này khi DN sử dụng vốn, dùng bao nhiêu thì rút tiền vay bấy nhiêu. Phương án 2: DN X vay 1 triệu USD thời hạn 1 năm, lãi suất 5%/năm. DN bán USD (1 triệu USD X 20.500 VND/USD) sẽ được 20,5 tỉ đồng.
Nếu DN trích từ 20,5 tỉ ra lấy 8 tỉ gửi NH với lãi suất 14%/năm (ở đây mới tính theo lãi suất trần NHNN quy định, còn thực tế có thể được từ 18%-21%/năm). Như vậy, DN có lãi từ khoản tiền gửi NH là 1,112 tỉ đồng (8 tỉ đồng x 14%/năm). Chỉ riêng số lãi này đã đủ để DN trả lãi vay NH 1 triệu USD rồi. Số tiền còn lại: 20,5 tỉ đồng - 8 tỉ (gửi tiết kiệm NH) còn 12,5 tỉ đồng là DN sử dụng không mất chi phí vốn vay.
Nguồn thu này thừa sức để DN trả chênh lệch tỉ giá lên đến 500VND/USD/ hoặc trả phí hợp đồng giao dịch kỳ hạn để chống đỡ rủi ro tỉ giá. Còn nếu DN nào tính chuyện “ăn trên lưng NH” thì họ đem 12,5 tỉ đồng gửi tiết kiệm nốt cho nó nhẹ người thì vẫn có lãi ròng ít nhất là 14%/năm. (Chú ý là phương án 2 diễn ra khi DN bắt tay với NH để có thể vay số vốn nhiều hơn nhu cầu vốn cần thiết cho hoạt động kinh doanh).
Là DN, ai cũng chọn phương án 2. NH cũng thừa biết cái lợi của DN khi đòi vay ngoại tệ, nhưng vẫn cho vay dù khả năng tái tạo ngoại tệ của một số DN chưa chắc chắn. Động cơ ở đây cũng là lợi ích. Trần LS huy động USD chỉ 2%/năm khiến lợi nhuận từ cho vay ngoại tệ ngày càng lớn hơn. Chính lợi ích của NH và DN đang làm cho áp lực về cầu tín dụng ngoại tăng nhanh.
Ứng trước ngoại tệ tương lai
Tín dụng ngoại tệ càng tăng, NH càng có thêm nguồn cung USD (do DN vay và bán lại cho NH lấy tiền đồng). Đây là một trong những lý do nguồn cung ngoại tệ của các NHTM từ tháng 3 đến nay khá dồi dào, tỉ giá ổn định, đồng USD mất giá nhẹ. Tuy nhiên, ngay cả bản thân nhiều NHTM cũng đang hết sức lo lắng hệ quả khi các khoản vay ngoại tệ đến hạn trả nợ đồng thời/ hoặc DN không trả được nợ bằng USD phải mua ngoại tệ của NH.
Có nhiều ý kiến cảnh báo hệ thống NH đang ứng trước nguồn cung ngoại tệ từ tương lai. Đúng ra, đến hạn trả nợ, DN phải dùng nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu trả nợ vào NH. Nay DN đã vay ngoại tệ từ NH rồi, sau này lại tiếp tục dùng VND mua ngoại tệ của NH để trả mà không có ngoại tệ thực trả nợ. Lúc đó cầu về ngoại tệ tăng mạnh, cung thật không còn nhiều, áp lực lên tỉ giá là rất nặng nề, thị trường ngoại hối sẽ bất ổn.
Nên tiếp tục thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ
Dư luận đang bàn nhiều các biện pháp giảm dư nợ ngoại tệ. Có ý kiến cho rằng nên kéo mặt bằng lãi suất VND xuống/hoặc tăng trần LS huy động USD để chênh lệch LS giữa nội tệ và USD thu hẹp lại, nhưng điều này rất khó khi lạm phát còn ở mức cao, Việt Nam đang tiến tới mục tiêu đưa LS huy động USD về 0%. Có người nói nên tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ để chi phí vốn ngoại tệ tăng, đẩy LS cho vay ngoại tệ lên cao, hạn chế nhu cầu vay. Tuy nhiên, giải pháp này có lẽ cũng không thể thực hiện được lúc này vì hệ thống đã có hiện tượng rủi ro thanh khoản ngoại tệ (biểu hiện là một số NHTM lách trần LS huy động USD).
Biện pháp có tính khả thi hơn cả là NHNN nên sửa đổi thông tư 07/2011/TT-NHNN theo hướng thu hẹp hơn nữa đối tượng được vay ngoại tệ. Chỉ cho phép các DN thực sự có khả năng tái tạo ra nguồn ngoại tệ để trả nợ, đó chính là các DN xuất khẩu. Còn các DN nhập khẩu nếu có nhu cầu ngoại tệ phải mua của NH chứ không phải là vay. Quy định như vậy sẽ làm giảm nhiều đối tượng được vay ngoại tệ, nhờ đó cầu vay ngoại tệ giảm đi.
Theo Bắc Nam
Báo Lao Động