> Cổ phiếu ngân hàng: Giảm lãi, 'rớt' nhà đầu tư
> Dòng tiền có trở lại?
Làn sóng hủy bỏ sàn
Thông tin mới nhất được Sở GDCK Hà Nội thông báo tháng 9/2013 sẽ có 3 doanh nghiệp bị hủy niêm yết là CTCP Đầu tư và Xây dựng Cotec (CIC), CTCP Chứng khoán Tràng An (TAS), CTCP Bao bì PP (HBP). Trên Sở GDCK TPHCM, CTCP Xây lắp Dầu khí miền Trung (PXM) có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc do tổng số lỗ lũy kế tính đến 30/6/2013 hơn 249 tỷ đồng, vượt số vốn điều lệ thực góp 150 tỷ đồng của công ty.
Trường hợp của CIC và TAS, lý do hủy niêm yết là vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin; riêng HBP thì được chấp thuận hủy niêm yết tự nguyện theo quyết định của Đại hội thường niên năm 2013. Trong ba trường hợp này, CIC lỗ lũy kế 2 năm liên tiếp và quý 1/2013, đồng thời thị giá của cổ phiếu này đang là 1.800 đồng/cp.
TAS cũng kinh doanh thua lỗ và bị đình chỉ hoat động. Do đó, việc bị hủy niêm yết đối với hai doanh nghiệp này là điều không sớm thì muộn. Trong khi đó HBP là doanh nghiệp kinh doanh có lãi và giá cổ phiếu cũng không đến nỗi “bèo bọt” với mức 10.300 đồng/cp. Việc hủy niêm yết của HBP được cho biết là tự nguyện nhưng không thấy nêu rõ lý do trong biên bản họp Đại hội 2013.
Thống kê sơ bộ từ đầu năm đến thời điểm hiện nay, số lượng doanh nghiệp được hai Sở GDCK công bố có quyết định hủy niêm yết đã lên đến 27 doanh nghiệp và 3 chứng chỉ quỹ (chuyển sang quỹ mở, hoặc hết thời gian hoạt động).
Đối với doanh nghiệp, lý do hủy niêm yết có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau như sáp nhập với doanh nghiệp niêm yết khác, chuyển sàn giao dịch, nhưng phần lớn là rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài và dẫn đến chậm công bố thông tin theo quy định.
Như vậy nếu so với tổng số lượng 18 doanh nghiệp bị hủy niêm yết trong năm 2012 thì năm nay số lượng có thể sẽ vượt hơn khá nhiều. Bởi ngoài các doanh nghiệp có tên trong quyết định hủy niêm yết, vẫn còn một số khác đang phải đối mặt với “án tử” cũng bởi những nguyên nhân tương tự.
Bên cạnh đó, theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm số lượng công ty niêm yết mới tăng khoảng 7 công ty. Với tốc độ lên sàn ngày càng chậm thì xem ra con số doanh nghiệp phải rời sàn đang ngày càng áp đảo.
Mắc kẹt vì doanh nghiệp “mất tích”
Mới đây, CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) vừa có thông báo chính thức về việc bỏ thông qua tờ trình hủy niêm yết trên sàn HOSE ra khỏi Nghị quyết.
Số là tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 8/2013, việc đồng ý hủy niêm yết của công ty được thông qua bởi gần 4,65 triệu cp chiếm 76,77%, trong đó có cổ đông lớn thông qua gồm Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV và Công ty TNHH Sắp thép Vinh Đa. Trong khi đó số cổ đông nhỏ lẻ không đồng ý hủy niêm yết là 1.406 triệu cp, chiếm tỷ lệ 23,23%.
Do đó, theo quy định và theo tỷ lệ tính toán cho biểu quyết của các cổ đông nhỏ được tính cho toàn bộ số cổ đông nhỏ cho nên tờ trình hủy niêm yết không thể được thông qua.
Chị Hồng Dung (Quận 6, TPHCM) vừa chia sẻ cảm giác “nhẹ tênh” khi bán hết số cổ phiếu STT mà chị nắm giữ trước ngày chốt quyền họp Đại hội mặc dù phải chịu lỗ 50%. Chị Dung cho hay, ngay sau khi thấy tình hình công ty có nhiều vấn đề chị đã canh để bán vì biết chắc rằng trước sau gì cũng chịu lỗ.
Đồng cảnh ngộ, anh Chí, nhà đầu tư trên sàn Rồng Việt, cho biết việc thoái vốn của anh ở STT mặc dù may mắn được gần hết nhưng không hề dễ dàng. Theo anh Chí vì số lượng giao dịch của STT ngày chỉ có và chục cổ phiếu nên sau khi tình hình công ty được nhiều người dự báo trước thì gặp khó khăn hơn.
Anh Chí cho hay đây cũng là tình hình chung của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và nguy cơ bị hủy niêm yết, bởi lượng giao dịch của các cổ phiếu này là rất thấp, chưa nói một số khác còn bị đình chỉ giao dịch nên rất khó thoái vốn.
Một tình trạng phổ biến xảy ra là các cổ đông nào lỡ còn “mắc kẹt” với cổ phiếu nguy cơ bị hủy niêm yết thì chỉ còn chờ đến ngày “khai tử”. Về lâu về dài thì thời gian cũng khiến họ buộc phải “lãng quên” vì sau khi bị hủy niêm yết đống cổ phiếu này chẳng còn giá trị bao nhiêu và đặc biệt là chẳng còn ai muốn bỏ tiền ra mua nó nữa.
Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, UBCK cũng yêu cầu các doanh nghiệp bị hủy niêm yết chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM để nhà đầu tư có thể tiếp tục giao dịch cổ phiếu. Thực tế thì không phải đơn vị nào cũng thực hiện và nhà đầu tư cũng chỉ biết nhìn đống “giấy lộn” này như để làm kỷ niệm.
Không phải lúc nào cũng “vớ bẫm”
Đầu tháng 9/2013, nhà đầu tư được phen xôn xao khi Đại hội cổ đông bất thường của CTCK Sao Việt (SVS) đầu tháng 9/2013 quyết định giải thể công ty và chia tiền cho cổ đông. Theo đó, sau khi thanh toán các khoản công nợ phả trả thì giá trị còn lại chia cho các cổ đông là gần 93 tỷ đồng. Mỗi cổ đông sẽ được chia 6.900 đồng cho mỗi cổ phần. Nếu so với mức giá đang giao dịch tại OTC khoảng 3.5000 đồng/cp thì nhiều người cho rằng cổ đông SVS đang “vớ bẫm”.
Thực ra những trường hợp như SVS chỉ đếm trên đầu ngón tay, cổ đông được “vớt vát” phần nào vì nhờ doanh nghiệp còn tiền mặt sau khi thanh lý tài sản. Nhưng thử hỏi đối với những doanh nghiệp lỗ triền miên và vượt cả vốn điều lệ thì liệu cổ đông có còn chút gì để mong chờ?