Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ quyền tác giả trên môi trường số

Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội sáng tạo và phân phối tác phẩm đến rộng rãi công chúng thông qua internet.

Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình cũng như hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Xin chào Bà Phạm Thị Kim Oanh!

PV: Thưa Bà, thời gian vừa qua, không ít doanh nghiệp Việt phản ánh bị xâm phạm quyền SHTT trên internet. Vậy, từ góc độ quản lý Nhà nước, Bà đánh giá như thế nào về thực trạng hành vi xâm phạm quyền SHTT trên internet, nhất là đối với các bản ghi âm, ghi hình trên môi trường số hiện nay?

Môi trường số sẽ tạo điều kiện cho các chủ thể quyền có thể sáng tạo cũng như hỗ trợ công việc sáng tạo hoặc phổ biến, cung cấp, truyền đạt các tác phẩm của mình đến với công chúng, đến với toàn xã hội một cách nhanh hơn.

Tuy nhiên, cùng với đó thì môi trường số cũng là công cụ cho các hành vi vi phạm dễ dàng hơn. Thực trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số phát sinh cùng với sự phát triển như vũ bão của internet. Do đó sự phát sinh này ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát hơn so với trước đây.

Các vi phạm bản quyền này khi phát sinh sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan bởi sự phát tán, lan truyền mạnh của không gian mạng. Do đó, việc ngăn chặn các hành vi xâm hại cũng như bảo vệ quyền tác giả trên không gian mạng là rất quan trọng.

Hiện nay việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả mang tính toàn cầu do đó việc xử lý các hành vi vi phạm này không hề dễ dàng và cần có sự phối hợp trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền đặc biệt là trên môi trường số. Việc xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật như ngăn cấm thực hiện hành vi trên không gian mạng hoặc từ chối cung cấp dịch vụ internet cho bên vi phạm cũng là các biện pháp cần được thực hiện hợp lý.

PV: Như Bà vừa chia sẻ, hành vi xâm phạm cũng như các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng trên môi trường số hiện nay khá phổ biến. Vậy, tại sao mặc dù khung pháp lý về bản quyền, bảo vệ quyền SHTT đã có mà các doanh nghiệp vẫn đối diện với tình trạng này, theo Bà?

Đây không phải là thực trạng riêng ở Việt Nam mà các nước cũng đang diễn ra và nó làm đau đầu không chỉ có cơ quan quản lý thực thi mà bản thân các chủ thể quyền rất bức xúc trong vấn đề này.

Cần xác định trách nhiệm bảo vệ bản quyền không chỉ dừng lại ở phía cơ quan Nhà nước mà còn ngay cả chính các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Đồng thời, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cần phải biết mình có quyền gì và những quyền ấy được bảo hộ như thế nào và chủ động trong việc bảo vệ quyền của mình, như chủ động trong việc thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan để bảo vệ mình khi phát sinh tranh chấp.

Bên cạnh đó, các nền tảng trung gian cần tôn trọng các căn cứ pháp lý rõ ràng nhất như Giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước hay phán quyết của Tòa án để giải quyết các tranh chấp liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Hiện nay có nhiều cá nhân, tổ chức đang lạm dụng quyền trên không gian mạng gây ảnh hưởng đến các chủ thể quyền khác. Pháp luật Việt Nam đã có quy định về những biện pháp bảo vệ cũng như những chế tài xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các quy định hiện hành cũng đã nội luật hóa và tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như pháp luật quốc tế về bảo hộ quyền SHTT. Tuy nhiên, hành vi xâm phạm quyền trên môi trường internet vẫn là hiện hữu.

PV: Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi mới được ban hành có nhiều quy định nhằm siết chặt quản lý, buộc các bên liên quan phải thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số. Bà có thể giúp chúng tôi làm rõ?

Luật SHTT sửa đổi, bổ sung đã bổ sung Điều 198b. Trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Theo đó, Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của mình trong một số trường hợp nhất định.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào sân chơi chung, lượng người dùng không chỉ dừng lại ở trong nước nữa mà mở rộng trên phạm toàn cầu, các doanh nghiệp sẽ phải thật sự chủ động, nâng cao trình độ, hiểu biết về mặt pháp lý cũng như có ý thức khai thác các sản phẩm của mình trên môi trường số một cách an toàn.

PV: Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp cũng cần có sự đồng hành của các cơ quan Nhà nước, nhất là trong các vụ tranh chấp xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số. Về vấn đề này, Bà có chia sẻ gì, thưa Bà?

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó Cục Bản quyền tác giả là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ cũng đã có những chương trình, hoạt động, hợp tác với Bộ Thông tin Truyền thông là đơn vị và cơ quan quản lý một số các nền tảng trong nước, phối hợp với cơ quan công an trong những vụ việc xâm phạm trong môi trường số để kịp thời xử lý.

Bởi vì tính đa lãnh thổ của các hành vi xâm phạm này rất phức tạp, không phải dễ dàng để có thể làm được. Có những trường hợp đã phải thông qua các con đường ngoại giao, hợp tác quốc tế với các nước. Đặc biệt, khi chúng ta là các thành viên của các Điều ước quốc tế này thì tiếng nói của các quốc gia, các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các nước cũng có một sự thuận tiện hơn và cũng nhanh chóng hơn để phối hợp cùng với các bên liên quan…. Các nền tảng trên mạng internet khi hoạt động của họ hướng vào người dùng Việt Nam thì họ buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, thực thi các nghĩa vụ cũng như các yêu cầu mà cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đã yêu cầu đối với các đơn vị có liên quan. Ví dụ, nền tảng mạng xã hội như youtube, facebook, .vv

Cục Bản quyền tác giả đang rất tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số của tất cả các chủ thể quyền liên quan trong lĩnh vực này.

Bên cạnh việc các cơ quan quản lý Nhà nước chủ động thì bản thân các chủ thể quyền cũng phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, đơn vị tư vấn pháp lý, chủ động trong việc có được các căn cứ, chứng cứ về hành vi xâm phạm để bảo vệ quyền của mình một cách tốt nhất.

Xin cảm ơn !

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!