Đìu hiu chợ hoa TPHCM những ngày dịch COVID-19 hoành hành

TPO - Những khu chợ hoa sỉ tại TPHCM trong thời gian thành phố giãn cách ế ẩm, vắng khách mua.

Trưa 7/6, tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10, TPHCM) - một trong những chợ hoa sỉ lớn nhất TPHCM vắng hẳn cảnh mua bán tấp nập thường thấy. Những thùng hoa được các quầy hàng xếp sát vào trong, lối đi nội bộ trong chợ rộng thênh thang nhưng hầu như không có khách.

Đường Hồ Thị Kỷ bên trong chợ hoa thường xuyên ún tắc, người xe nhích từng chút một do kẻ mua người bán đứng chật cả con đường, từng chiếc xe máy vận chuyển cơ man nào là hoa từ các tỉnh đổ về chợ. Tuy nhiên hơn 10 ngày nay, không còn những chuyến xe hoa như vậy cập chợ. "Không có khách mua, có nơi thương lái cung cấp hoa lại sợ đến TPHCM là đi vào vùng dịch, về lại đia phương sẽ bị cách ly nên họ hủy đơn hàng. Chúng tôi cũng tạm thời treo biển tạm nghỉ bán vì chủ yếu cung cấp hoa tươi cho nhà hàng, khách sạn. Do những nơi này đều ngừng hoạt động nên mình phải nghỉ theo" - chị Thu Lan (tiểu thương kinh doanh hoa) cho biết.

Thấy có bóng khách, một vài chủ hàng hoa chủ động chào mời, giá giảm sâu từ 20-30%, thậm chí có nơi giảm giá tới 50%. "Trước hoa ly 45.000-50.000 đồng/cành, nay chỉ 25.000-30.000 đồng; hoa hồng 25.000 đồng/10 cành; hướng dương 4.000 đồng/bông... Giờ không phân biệt khách mua sỉ hay lẻ nữa, tất cả đều đồng giá" - ông Bình (người kinh doanh hoa)nói.

Thay vì trước đây chỉ bán sỉ, giờ nhiều quầy hoa bung ra bán lẻ cho khách mua.

"Không có ai mua hết. Trước đây khách mua hoa đi chùa, nhà thờ rất nhiều; quán ăn, quán cà phê, nhà hàng tiệc cưới... đều trang trí hoa tươi. Giờ không còn các dịch vụ đó thì mình biết bán cho ai. Hoa chì cần để 4-5 ngày là bỏ đi thôi vì không dùng được vào việc gì khác, bán không được thì phải ôm, chịu lỗ vốn" - bà Chánh, chủ shop hoa tươi 247 nói và cho biết thêm, hơn 10 năm trong nghề, chưa bao giờ thấy khó khăn như 2 năm gần đây.

Hoa ê hề nhưng vắng khách mua.

Một vài bạn trẻ yêu hoa tranh thủ mua ít hoa đều cắm làm đẹp nhà trong những ngày giãn cách

Cả dãy hàng hoa xếp hàng dài, nằm buồn thiu trong ánh nắng trưa

Nhiều tiểu thương cho biết, họ tận dụng kênh online để bán hoa trực tuyến, giao hàng tận nơi, tuy nhiên khách mua lẻ khác thưa thớt, trong khi khách sỉ ít nhu cầu vì các dịch vụ kinh doanh của họ cũng đang tạm ngừng hoạt động do giãn cách.

Trong khi đó, chợ hoa sỉ Đầm Sen (quận 11, TPHCM) đã đóng cửa phòng dịch từ ngày 31/5. Thời gian tạm dừng hoạt động dự kiến trong khoảng 15 ngày.

Các quầy hàng kinh doanh hoa phía ngoài chợ cũng ngưng hoạt động. Ông Quốc, chủ sạp hoa cho biết: "Ảnh hưởng dịch bệnh nên nhu cầu tiêu thụ hoa giảm mạnh, trước khi lấy 10 thùng nhưng giờ lấy 1 thùng bán cũng không hết. Do hoa không phải là mặt hàng thiết yếu nên kinh doanh ế ẩm".

Mới đây, Hiệp hội Hoa và Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng có công văn gửi Sở Công Thương TPHCM và UBND quận 11 (TPHCM) đề nghị xem xét, tạo điều kiện cho mở cửa trở lại chợ hoa tươi Đầm Sen từ ngày 7-14/6 (tức ngày 27/4 - 5/5 âm lịch) để hỗ trợ, giải quyết tiêu thụ một phần hoa tươi cho bà con nông dân Lâm Đồng trong tình hình khó khăn do dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, do yêu cầu phòng, chống dịch và căn cứ đặc điểm tình hình cụ thể diễn biến dịch bệnh tại địa phương..., quận 11 đã chỉ đạo việc tạm ngưng và vận động tạm ngưng kinh doanh các loại hình hoạt động dịch vụ không thiết yếu.

Theo Sở Công Thương TPHCM, để hỗ trợ các địa phương duy trì ổn định hoạt động cung ứng hàng hóa, tránh xáo trộn, sở đã chỉ đạo các chợ đầu mối (Bình Điền, Thủ Đức, Hồ Thị Kỷ) tăng cường tiếp nhận, phân phối hoa của các tỉnh và vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch. Phòng Kinh tế quận 11 chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ Đầm Sen (Chợ hoa Đầm Sen) hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương tổ chức bán hàng trực tuyến để duy trì việc tiếp nhận và phân phối hoa.

Báo cáo của các chợ tại TPHCM cho thấy, hiện do nhiều hoạt động trên địa bàn thành phố đang tạm ngưng, nhu cầu mặt hàng hoa giảm mạnh nên lượng hoa từ các nơi chuyển về thành phố cũng giảm xuống; do đó việc tiếp nhận và phân phối hoa gần như không bị ảnh hưởng nhiều.

“Chuẩn bị cho đợt cao điểm tới đây, sở tiếp tục chỉ đạo các chợ tăng cường nhân lực, chuẩn bị cơ sở vật chất và thực hiện dự báo thị trường, theo dõi sát sao tình hình để tổ chức đón nhận và phân phối mặt hàng hoa từ Lâm Đồng và các địa phương một cách tốt nhất. Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc phát sinh phải báo cáo ngay Sở Công Thương để có hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng hóa ùn ứ, ngưng trệ hoạt động cung ứng, phân phối” - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết.