Nghiên cứu của các nhà khoa học tại ĐH McGill (Canada) nêu khả năng chế độ dinh dưỡng của người cha cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa con sau này, đặc biệt là trường hợp người cha dùng thiếu vitamin B9.
Lâu nay, người ta thường chú ý đến chế độ dinh dưỡng của người mẹ trước và trong khi mang thai. Nhưng nghiên cứu của nhà khoa học Sarah Kimmins và cộng sự cho thấy chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin B9 - còn được gọi là folate - ở cha ngay cả trước khi thụ thai cũng dễ dẫn đến nguy cơ sẩy thai, con có khuyết tật và sức khỏe kém sau khi chào đời.
Nhóm nghiên cứu đi đến kết luận nói trên từ những thí nghiệm trên chuột. Họ nhận thấy chuột cha dùng thiếu folate có thể làm tăng nguy cơ có chuột con bị khuyết tật cao hơn 30% so với chuột cha dùng đủ folate. Các nhà khoa học nhận thấy những bất thường ở xương của chuột con có cha thiếu folate kể cả ở sọ mặt và dị dạng xương sống.
Nhóm nghiên cứu giải thích rằng có những khu vực trong hệ gien biểu sinh ở tinh trùng nhạy cảm và dễ chết. Những thông tin trong hệ gien biểu sinh này truyền qua đứa con qua sơ đồ gien biểu sinh và ảnh hưởng đến sự phát triển, sự trao đổi chất và bệnh tật ở đứa con trong thời gian dài.
Dù có hệ gien biểu sinh mất đi và tái lập khi tinh trùng phát triển nhưng nghiên cứu nói trên cho thấy trong quá trình này, tinh trùng vẫn mang dấu ấn về môi trường, chế độ dinh dưỡng và lối sống của người cha.
Folate được ghi nhận có nhiều trong rau, ngũ cốc, trái cây và thịt. Liều dùng cần thiết ở người bình thường là 400 microgam/ngày và phụ nữ mang thai là 600 microgam/ngày. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là khả năng chuyển hóa folate trong cơ thể ở đàn ông béo phì hoặc người có chế độ ăn nhiều mỡ kém hơn so với người bình thường.