Trước đó, Viện KSND tối cao đã yêu cầu Cơ quan CSĐT làm rõ quan hệ của bị can Nguyễn Thọ Trí với Thiếu tá Nguyễn Văn Yên, điều tra viên cao cấp thuộc C16B (Văn phòng Cơ quan CSĐT phía Nam, Bộ Công an), trong việc bàn bạc với trùm lừa Nguyễn Đức Chi và bị can Trí để lấy tiền của Cty Lâm Viên Bộ Quốc phòng (Lavico) trả nợ cho Cty XNK Lương thực Trà Vinh.
Điều tra viên mời gọi, bảo lãnh đầu tư!
Trung tá Trần Nam cho biết, ông quen Thiếu tá Yên khi ông Yên còn là Đại uý công tác tại CA tỉnh Lâm Đồng (khoảng năm 2002, ông Yên mới được điều về C16B Bộ Công an).
Tháng 8/2003, Thiếu tá Yên có gặp ông Trần Nam, cho biết mình đang thụ lý vụ nợ tiền bán gạo của Cty Lương thực Trà Vinh đối với “Việt kiều” Nguyễn Đức Chi.
Thời gian sau, Thiếu tá Yên gặp ông Nam, “quảng cáo” khá nhiều lời tốt đẹp về Chi và nói: “Xét thấy tài sản của Chi có khả năng đảm bảo thanh toán tiền mua gạo nên Cơ quan CSĐT cho giải quyết dân sự.
Đặc biệt, Chi có dự án đầu tư rất lớn ở Nha Trang, anh xem có thể hợp tác được thì cùng đầu tư với nó”.
Ông Nam đồng ý. Sau đó, với sự giới thiệu của Thiếu tá Yên, ông Nam lần lượt tiếp xúc với Nguyễn Đức Chi, Nguyễn Thọ Trí (nguyên Giám đốc Cty Trà Vinh, đã bị bắt giam), cùng lãnh đạo Học việc Lục quân đến tham quan dự án Rusalka Nha Trang.
Ông Nam cũng được các đối tượng khoe về khả năng góp vốn, tăng vốn pháp định của dự án, những triển vọng của Lavico khi tham gia góp vốn...
Đặc biệt, Thiếu tá Yên còn khẳng định với ông Nam là toàn bộ tài sản của Chi tại Việt Nam đã được ký thác cho cơ quan điều tra, đầu tư vào đây ông Nam sẽ không sợ mất tiền!
Sau các cuộc tiếp xúc này, ngày 12/11/2003, Thiếu tá Yên đã đi cùng với ông Nam, trực tiếp báo cáo giải trình với Thường vụ Đảng ủy và Ban giám đốc Học viện Lục quân về triển vọng, cơ hội của Lavico khi đầu tư vào Rusalka. Sau cuộc họp này một ngày, Học viện đã ra quyết định cho phép Lavico đầu tư.
Và rồi, Lavico đã “sa vào vực thẳm” khi rót tiền vào dự án khu nghỉ mát Rusalka và Trung tâm thể thao giải trí Cosmos Hà Nội.
Tổng cộng, Lavico đã chuyển cho Nguyễn Đức Chi gần 60 tỷ đồng, trong đó có 43,5 tỷ đồng “trả nợ thay” trùm lừa cho Cty Lương thực Trà Vinh.
Vì muốn “cứu” Nguyễn Thọ Trí?
Vẫn theo tố cáo của Trung tá Trần Nam, từ tháng 3/2004, khi phát hiện Nguyễn Đức Chi có dấu hiệu lừa đảo, ông Nam đã yêu cầu Thiếu tá Yên làm việc với Chi để bảo toàn vốn cho Lavico, đồng thời thông báo Học viện Lục quân đã chỉ đạo ngừng rót vốn cho dự án Rusalka.
Ông Nam cũng gửi toàn bộ giấy chứng nhận việc góp vốn vào Rusalka cho Ngân hàng Cổ phần Quân đội để cảnh báo, khi biết Chi đem “sổ đỏ” dự án đến ngân hàng này cầm cố.
Sau thời gian này khoảng 2 tháng, ông Nam có gặp Thiếu tá Yên, song được ông Yên tiếp tục trấn an rằng vụ việc này Yên đã báo cáo “cấp trên” đồng ý cho xử lý dân sự, Lavico không lo bị mất tiền.
Ông Nam bảo: “Tay Chi này có dấu hiệu lừa đảo rồi, phải khởi tố bắt giam thôi”, thì được ông Yên trả lời: “Khởi tố thằng Chi thì không cứu được Nguyễn Thọ Trí, Giám đốc Cty Lương thực Trà Vinh”.
Thực tế vụ án sau này đã diễn ra theo đúng chiều hướng trên. Sau một thời gian trùm lừa sa lưới pháp luật, ông Trí cũng bị khởi tố, bắt giam về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đến lúc này, theo ông Trần Nam, ông ta mới hiểu mục tiêu của Thiếu tá Yên là xoá sạch công nợ mua bán gạo giữa Chi và Cty Trà Vinh nhằm “chạy tội” cho Nguyễn Thọ Trí.
Vẫn theo tố cáo của ông Nam, trong rất nhiều văn bản, Thiếu tá Yên, Chi và Trí đều cố ý sử dụng cụm từ “trả nợ thay”, mà theo ông Nam là để nhằm gán tội cho ông đã dùng tiền Nhà nước trả nợ thay cho trùm lừa.
Phạm Tiến Dũng - Phó tổng giám đốc R.I.T dưới quyền Nguyễn Đức Chi - cũng bị tố cáo đã nhiều lần nhắn tin đe dọa ông Nam về việc này. Theo ông Nam, Chi và đồng bọn cho rằng ông Nam không dám tố cáo vụ việc vì cũng sợ sẽ bị mắc tội và mất chức.
Ngày 6/9/2004, ông Trần Nam đã chính thức gửi văn bản tố cáo vụ việc lên Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an.
Ông Nam cho biết, đến hôm trùm lừa bị bắt giam, Thiếu tá Yên đã chủ động mời ông Nam đi ăn sáng tại một quán ăn trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM. Tại lần gặp gỡ cuối cùng này, Thiếu tá Yên đề nghị ông Nam đừng nói với ai việc Yên giới thiệu Lavico đầu tư vào dự án Rusalka!
Viện KSNDTC yêu cầu làm rõ
Những lời tố cáo trên của ông Trần Nam bước đầu đang được cơ quan chức năng xem xét.
Mới đây, Viện KSNDTC đã yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ quan hệ của bị can Nguyễn Thọ Trí với Thiếu tá Nguyễn Văn Yên trong việc bàn bạc với trùm lừa Chi và bị can Trí để thu hút tiền “đầu tư” của Lavico.
Đáng chú ý là theo một nguồn tin, Thiếu tá Yên đã làm việc này để “đòi nợ” hộ bị can Nguyễn Thọ Trí, hưởng phần trăm hoa hồng(?!).
Về trách nhiệm của Lavico và cá nhân ông Giám đốc Trần Nam trong vụ án này, hiện thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
Trong bản tường trình của mình, ông Nam cũng đã thừa nhận “có thiếu sót rất lớn trong việc tìm hiểu đối tác và vận dụng luật pháp trong kinh doanh”.
Tuy nhiên, ông Nam khẳng định trong quá trình hợp tác kinh doanh với đối tác không hề có biểu hiện tiêu cực, tham ô, nhận hối lộ.
Ông Nam cũng đề nghị cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xem xét vì cho rằng mình đã tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để “tấn công tội phạm” nhằm khắc phục một phần hậu quả thuộc trách nhiệm của mình.
Đại tá Nguyễn Thế Bình, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ngày 29/8/2004 đã ký văn bản số 1215/C16 (P1) C3 gửi Bộ KHĐT, đề nghị Bộ chấp nhận đề nghị của Nguyễn Đức Chi cho rút giấy phép đầu tư 100% vốn nước ngoài của Cty đầu tư và phát triển Rust Invest Tur (RIT) và cấp phép đầu tư cho Cty liên doanh giữa hai Cty của Nga với Cty XNK Lương thực Trà Vinh hoặc “pháp nhân khác có đủ năng lực” để tiếp tục thực hiện dự án Rusalka.
Trả lời phỏng vấn một tờ báo sau khi trùm lừa bị bắt, ông Bình khẳng định ký văn bản trên không phải là để “giải tội” cho Chi, mà chỉ với mục đích “thu hồi tài sản của Nguyễn Đức Chi cho Nhà nước, khắc phục hậu quả để dự án tiếp tục hoạt động”.
Ông Trần Nam cho biết, chính Thiếu tá Yên là người đã làm tờ trình để Đại tá Bình ký văn bản trên gửi Bộ KHĐT. Văn bản này, ông Yên giao cho ông Nam một bản gốc, mặc dù Lavico không có trong danh sách nơi nhận!