Những phân tích, chia sẻ của TS. LS Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Trọng tài - Công ty Luật TNHH Tư Vấn Độc Lập (Dzungsrt & Associates LLC) đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
PV: Thưa bà, theo quy định của pháp luật, để một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực thì thỏa thuận đấy cần đáp ứng những điều kiện gì, thưa bà?
TS. LS Nguyễn Thị Thu Trang
Điều 18 Luật Trọng tài thương mại (LTTTM) và Điều 3 của Nghị quyết 01/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (Nghị quyết 01/2014) có quy định 6 trường hợp mà thỏa thuận trọng tài bị coi là vô hiệu. Nên để có hiệu lực thì thỏa thuận trọng tài phải tránh được cả 6 trường hợp đấy. Tức là:
Thứ nhất, tranh chấp giữa các bên phải là tranh chấp có thể giải quyết bởi trọng tài theo quy định của pháp luật. Theo Điều 2 của LTTTM thì đó là các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, hoặc ít nhất một bên có hoạt động thương mại, hay các tranh chấp mà pháp luật quy định cụ thể có thể giải quyết bằng trọng tài thương mại như tranh chấp đâm và giữa tàu biển.
Thứ hai, người xác lập thỏa thuận trọng tài phải là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của các bên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Thứ ba, Các bên tự nguyện xác lập thỏa thuận trọng tài.
Thứ 4, thỏa thuận trọng tài không vi phạm điều cấm của pháp luật
Thứ năm, Về mặt hình thức, thỏa thuận trọng tài phải bằng văn bản, tức là được xác lập qua các phương thức được quy định tại Điều 16 LTTTM như bằng email, fax, trao đổi đơn khởi kiện v.v...
PV: Thưa bà, thực tế, cũng có không ít trường hợp, thỏa thuận trọng tài của các bên bị xem là không thể thực hiện được. Vậy thế nào là một thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thưa bà?
TS. LS Nguyễn Thị Thu Trang
Một thỏa thuận không thể thực hiện được khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 4 của Nghị quyết 01/2014. Cụ thể:
Trường hợp thứ nhất là khi Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.
Trường hợp thứ hai, các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
Trường hợp thứ ba, Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.
Trường hợp thứ tư, Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.
Và cuối cùng là trường hợp Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.
Như vậy, mặc dù các bên đã có thỏa thuận trọng tài, nhưng nếu thỏa thuận trọng tài rơi vào các trường hợp đã nêu thì thỏa thuận đó sẽ không thể thực hiện được.
PV: Thưa bà, vậy khi một thỏa thuận trọng tài bị xem là không thể thực hiện được thì các bên cần phải làm gì ạ? Liệu các bên có phải chịu hệ quả pháp lý gì không, thưa bà?
TS. LS Nguyễn Thị Thu Trang
Trong trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được hoặc có khiếm khuyết, các bên cần thỏa thuận lại để sửa chữa các khiếm khuyết đó, giúp cho thỏa thuận trọng tài có thể vận hành được. Nếu không thể thỏa thuận, thì theo quy định của pháp luật một bên vẫn có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp.
Khi một thỏa thuận trọng tài bị xem là không thể thực hiện được thì hậu quả pháp lý của nó là trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên, và nếu muốn giải quyết tranh chấp thì các bên chỉ có thể giải quyết tại tòa án. Tuy nhiên, việc tiến hành tại vụ kiện tại tòa án thông thường sẽ tốn nhiều thời gian, không đảm bảo tính bảo mật, gây ảnh hưởng tới danh tiếng của các bên, và nhất là việc thi hành bản án của tòa án ngoài Việt Nam sẽ rất khó khăn trong khi phán quyết trọng tài có thể thi hành tại 172 quốc gia thành viên Công ước New York, trong đó có Việt Nam.
PV: Thưa bà, vậy bà có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp khi lựa chọn trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp, thưa bà?
TS. LS Nguyễn Thị Thu Trang
Thứ nhất, trong giai đoạn đàm phán, soạn thảo và giao kết hợp đồng, các bên cần bỏ ra thời gian hợp lý và cẩn trọng khi rà soát các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là điều khoản trọng tài. Trong trường hợp không chắc chắn, các bên có thể tham vấn luật sư chuyên nghiệp về trọng tài hoặc ban thư ký của trung tâm trọng tài mà mình đã lựa chọn.
Đặc biệt, khi lựa chọn trung tâm trọng tài cụ thể, các doanh nghiệp nên lựa chọn tổ chức có uy tín, có đội ngũ trọng tài viên giàu kinh nghiệm, có thủ tục tố tụng rõ ràng và phí trọng tài phù hợp. Không nên nêu cụ thể tên trọng tài viên hoặc đưa ra các tiêu chuẩn lựa chọn trọng tài viên quá khắt khe trong thỏa thuận trọng tài để tránh thỏa thuận trọng tài không thực hiện được trong tương lai.
Thứ hai, ngay khi phát hiện điều khoản trọng tài bị khiếm khuyết hay không thực hiện được, cần chủ động đề xuất sửa đổi và thỏa thuận lại điều khoản trọng tài đó.
Thứ ba, sau khi phát sinh tranh chấp, dù là nguyên đơn hay bị đơn trong vụ kiện trọng tài, các doanh nghiệp cũng nên tham gia một cách tích cực trong quá trình tố tụng để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình, tránh việc mất quyền phản đối sau này. Bởi vì theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu trong quá trình trao đổi đơn khởi kiện và bản tự bảo vệ mà bị đơn không phản đối thì có thể bị coi là các bên đã xác lập một điều khoản trọng tài.
Xin cảm ơn bà!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!