“Tổng thống Vladimir Putin không đọc các trang Telegram, nhưng vẫn đọc báo cáo về một số bài đăng đáng chú ý”, ông Peskov nói với Tass hôm 4/9, lưu ý rằng tổng thống rõ ràng cần có quyền tiếp cận đầy đủ tất cả các nguồn thông tin, tin tình báo sẵn có, ngoài các báo cáo và bản tin chính thức.
Không giống với đại đa số các nguyên thủ quốc gia ngày nay, ông Putin hầu như không xuất hiện trên các kênh trực tuyến vì ông không có thời gian rảnh rỗi để lướt mạng. Thay vào đó, Điện Kremlin có một số tài khoản chính thức, bao gồm cả kênh Telegram.
Năm ngoái, phát ngôn viên Peskov cũng nói rằng ông Putin sẽ không bao giờ thiết lập một tài khoản mạng xã hội cá nhân rồi giao tài khoản này cho cố vấn quản lý, vì ông coi việc để người khác thay ông quản lý trang mạng xã hội cá nhân là điều sai trái.
Thực tế, Tổng thống Putin thậm chí còn không có điện thoại di động để đăng bài hoặc theo dõi bất kỳ ai trên mạng xã hội, vì theo ông Peskov, “sử dụng điện thoại thông minh có nghĩa là tự nguyện phô trương” và “công khai toàn bộ thông tin”, điều không tưởng đối với bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào.
Bản thân Tổng thống Putin cũng nói rằng mặc dù ông luôn có thể mượn điện thoại của phụ tá nếu cần, nhưng ông thích sử dụng đường dây kiểu cũ để liên lạc với bất kỳ ai.
Trong khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng được coi là “tổng thống truyền thông mạng xã hội đầu tiên”, thì người kế nhiệm là ông Donald Trump đã đưa nó lên một tầm cao mới. Cựu Tổng thống Trump ước tính đã tweet hơn 25.000 lần trong nhiệm kỳ của mình, trước khi các gã khổng lồ công nghệ đóng trang mạng xã hội của ông vì bị cáo buộc kích động cuộc bạo động ở Điện Capitol ngày 6/1, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực kiểm duyệt nhằm mục đích chống “thông tin sai lệch”.