Điểm mặt ba loại vũ khí tối tân của Nga năm 2018

TPO - Tàu ngầm không người lái đầu tiên trên thế giới, hệ thống súng phòng thủ tự động đầu tiên và “Quái thú” bọc thép là ba loại vũ khí tối tân của Nga năm 2018.
Quái thú bọc thép của FSB có thiết kế hiện đại đảm bảo độ an toàn cao và khăc phục các điểm mù.

Poseidon- Tàu ngầm không người lái đầu tiên trên thế giới

Tàu ngầm không người lái của Nga có thể chạy không cần nghỉ dưới nước.

Đây là phương tiện không người lái mới, với khả năng hoạt động không nghỉ dưới nước nhờ động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, robot này không phát ra tiếng động, và khi tới gần mục tiêu nó sẽ di chuyển sát đáy biển. Vào tháng 3/2018, Putin tuyên bố: "Robot hoạt động ở độ sâu rất lớn và trong phạm vi liên lục địa với tốc độ vượt gấp nhiều lần so với tàu ngầm, những loại ngư lôi mới nhất và tất cả các loại tàu mặt nước, kể cả những loại nhanh nhất". 

Phát biểu vào ngày 1/3/2018, Putin cho biết không có gì trên thế giới hiện nay có thể loại bỏ mối đe dọa do hệ thống này gây ra. Các chuyên gia tin rằng, Poseidon là kết quả nghiên cứu của dự án Status-6 nhằm phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt dưới nước.

Phát biểu với Russion Beyond, Viktor Litovkin, nhà phân tích quân sự của hãng TASS cho biết: "Có lẽ đây là sự phát triển của một dự án từ thời Liên Xô – nhằm chế tạo một robot dưới nước để đưa một quả bom cô-ban đến bờ biển của kẻ thù mà không bị phát hiện. Vụ nổ của nó sẽ tạo ra một cơn sóng thần có khả năng quét sạch một thành phố lớn khỏi mặt đất ngay lập tức".

 

Ông cũng cho biết, vụ nổ bom cô-ban sẽ có tác động tương tự như đầu đạn hạt nhân.

Hệ thống súng phòng thủ tự động đầu tiên của Nga

Hệ thống súng phòng thủ tự động đầu tiên của Nga

Tại hội chợ vũ khí Army-2018, Tập đoàn Kalashnikov Concern đã tiết lộ hệ thống hỏa lực nhân tạo trông giống như tháp pháo với khẩu súng hai nòng trong trò chơi máy tính Command & Conquer.

Hệ thống hỏa lực này của Kalashnikov được trang bị trí tuệ nhân tạo có thể học hỏi và phát triển trong quá trình hoạt động. Tháp pháo, được trang bị súng máy 12,7 mm, có thể tự động phát hiện và xác định mục tiêu và tiến hành loại bỏ từng mục tiêu một, ưu tiên loại bỏ mục tiêu theo mức độ nguy hiểm của chúng. Chẳng hạn, nó sẽ phân tích để lựa chọn tiêu diệt một chiếc xe bọc thép chở đầy lính trước tiên, rồi mới chuyển sự chú ý sang các mục tiêu cố định khác trên chiến trường. 

Đặc biệt hơn, một khi trí tuệ nhân tạo của hệ thống này đã nhận diện và hiện thị mục tiêu trên màn hình của mình, không gì có thể ngăn chặn nó thực hiện chức năng tiêu diệt mục tiêu, kể cả những nỗ lực của con người nhằm chuyển hướng bắn. 

Một tính năng khác của robot này là nó có thể hoạt động không chỉ đối với các mục tiêu mặt đất như bộ binh hoặc thiết giáp hạng nhẹ mà còn có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên không. 

Vì vậy, hệ thống vũ khí này có thể là một biện pháp rất hiệu quả đối với các máy bay chiến đấu không người lái loại nhỏ, những vũ khí đã từng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng trong các hoạt động quân sự của các lực lượng liên quân Nga - Mỹ ở Trung Đông.

Mỗi modul súng chiến đấu có thể được cài đặt riêng lẻ tại một điểm cụ thể hoặc là một phần trong cả một hệ thống "pháo phòng vệ" được sắp xếp thống nhất trong các hoạt động phối hợp. 

“Quái thú” bọc thép của FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga)

Quái thú bằng thép của Nga có thể chứa được 12 binh sỹ bên trong và có thể đạt tốc độ tối đa 200k/h

Đây là chiếc xe tương lai kết hợp các giải pháp kỹ thuật táo bạo nhất và sẽ thay thế các loại xe bọc thép quân sự đã lỗi thời để tác chiến trong các khu vực đô thị.

“Quái thú” Falkatus được thiết kế dựa trên khung sườn KamAZ và được dẫn động cả bốn bánh. Chiếc xe bọc thép mới có vẻ ngoài rất hung dữ này được trang bị động cơ tám xi-lanh, 17 lít để cũng cấp sức mạnh đáng tự hào lên tới 700 mã lực. Tất cả điều này sẽ cho phép con “quái thú” bằng sắt nặng nhiều tấn này đạt đến tốc độ 200 km/h với 12 binh sĩ trong khoang.

Thiết kế của chiếc xe bảo đảm an toàn cho binh sỹ trước súng máy và những vũ khí tấn công khác. Gầm xe cũng được thiết kế hình chữ V để triệt tiêu sức ép của mìn.

Đầu xe được thiết kế trườn dài về phía trước, và để khắc phục "điểm mù" chiếc xe được gắn các camera bổ sung giúp người lái có cái nhìn toàn cảnh phía trước. Phía sau xe cũng được gắn các cảm biến tương ứng. 

Theo Russia Beyond