Đất công cộng, nhà máy tiếp tục thành cao ốc
Đường Lê Văn Lương từ lâu đã được coi là "con đường đau khổ, ùn tắc”, của thành phố Hà Nội. Nguyên nhân có nhiều, song ở đây có một thực tế là nhiều khu “đất vàng” vốn là trụ sở cơ quan, khu đất công cộng cũng bị “hô biến” thành cao ốc. Đơn cử như ô đất 1.1-CQ trước kia là nơi của một cơ quan “đóng đô”. Khi cơ quan di dời đi, khu đất này đã được xây dựng dự án, công trình khu nhà ở cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ (Chung cư Ban cơ yếu Chính phủ) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng là chủ đầu tư.
Ô đất 1.2-CQ trước kia cũng do một cơ quan “đứng chân”. Sau khi di dời đã đầu tư Dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng và căn hộ chung cư do Công ty Cổ phần Xây dựng Licogi 19 làm chủ đầu tư. Gần đó, dự án chung cư Star City do Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại Vneco làm chủ đầu tư. Theo Kết luận số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng, từ năm 2002, ô đất của dự án này được phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân là đất công cộng thành phố, tầng cao trung bình 18,5 tầng, mật độ xây dựng 53%. Tuy nhiên, năm 2005, UBND Thành phố Hà Nội lại có Quyết định số 43/2005/QĐ-UB ngày 5/4/2005 phê duyệt điều chỉnh dự án thành nhà ở chung cư, bãi đỗ xe, mật độ xây dựng 50,3%, cao 16 tầng.
Kết luận số 39 nêu rõ, UBND Thành phố Hà Nội đã 2 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật về quy hoạch (điều chỉnh chức năng ô đất từ “đất công cộng” của thành phố sang “đất hỗn hợp dịch vụ thương mại kết hợp văn phòng và nhà ở chung cư”; tăng tầng cao từ trung bình 18,5 tầng thành 16 tầng, thành 25 tầng, rồi thành 27 tầng; mật độ xây dựng thay đổi từ 53% thành 50,3%, tăng lên thành 50%, rồi thành 60,2%, tăng thêm dân số 1.492 người)...
Những tưởng sau sai phạm được chỉ ra, người dân Hà Nội sẽ không còn phải “sống khổ” trên những con đường bị nhồi nhét cao ốc, thế nhưng việc điều chỉnh quy hoạch, chức năng đất vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều khu vực quận, huyện khác. Cụ thể, ô đất CC1 tại phường Mỹ Đình 2, diện tích khoảng 7.782m2; diện tích xây dựng 3.610m2; chức năng đất công cộng cũng đã được TP Hà Nội điều chỉnh sang đất có chức năng ở. Theo quyết định của Hà Nội, ô đất CC1 sau khi điều chỉnh sẽ gồm nhà ở chung cư kết hợp dịch vụ, thương mại, nhà trẻ và nhà ở liền kề. Chiều cao công trình xây dựng trung bình 5,3 tầng (từ 5 đến 9 tầng) được nâng lên từ 6 đến 9 tầng.
Một quyết định chuyển đổi khác là ô đất N6.3, diện tích 4.500m2, quy hoạch Trung tâm Giao lưu và phát triển văn hóa cộng đồng cũng được điều chỉnh sang xây dựng công trình khách sạn, văn phòng, thương mại và văn hóa cộng đồng với tầng cao 30 tầng (tăng 15 tầng so với quy hoạch cũ)...
Dự án Chung cư Hoàng Thành Pearl - Mỹ Đình, địa chỉ số 55 đường Nguyễn Văn Giáp, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm sắp được triển khai với tổng số 361 căn hộ. Trong đó, có 336 căn hộ chung cư, 25 căn nhà liền kề. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, dự án có diện tích 14.786m2, khu đất vốn là đất của nhà máy Công ty cổ phần Chế tạo biến thế và vật liệu điện Hà Nội. Được chuyển đổi mục đích không qua đấu giá, đấu thầu từ năm 2019.
Nhiều sai phạm do... yếu tố khách quan
Mới đây, trả lời cử tri về vụ việc đường Lê Văn Lương, UBND thành phố Hà Nội cho biết, cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998 ngày 20/8/1998. UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Thanh Xuân tại quyết định số 112 ngày 6/8/2002; trong đó có đoạn tuyến Lê Văn Lương (trước năm 2008, đoạn Tố Hữu (đến sông Nhuệ) và Nguyễn Thanh Bình thuộc tỉnh Hà Tây).
Vào thời điểm trên, toàn bộ trục đường Láng Hạ - Thanh Xuân (nối tiếp từ Giảng Võ đến Vành đai 2) đã được xác định xây dựng cao tầng. Quy hoạch chi tiết này xác định chiều cao trung bình công trình từ 5,62 tầng đến 18,5 tầng (từ 1 tầng đến 33 tầng) và cao nhất 45 tầng.
Căn cứ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 được UBND thành phố duyệt năm 2015 cũng đã tuân thủ định hướng toàn tuyến, đối với chức năng hỗn hợp xác định tầng cao 30, 35 và cao nhất là 45 tầng.
“Như vậy, chủ trương quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương đảm bảo thống nhất xuyên suốt các thời kỳ quy hoạch từ trước tới nay”, văn bản của UBND Hà Nội khẳng định.
Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, ngay sau khi Bộ Xây dựng ban hành Kết luận Thanh tra số 39, UBND quận đã chỉ đạo các lực lượng chuyên môn xử lý, cưỡng chế các vi phạm liên quan. Tuy nhiên, đại diện UBND quận kiến nghị: Một số vi phạm theo Kết luận 39 chỉ ra đúng với Quy hoạch trước đây nhưng đối chiếu với quy định mới thì chưa phù hợp. Vị này nêu ví dụ, 2 tòa nhà xây dựng thêm tại khu đất TN1, TN2 của Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính được Thanh tra chỉ ra là có sai phạm xây thêm công trình. Tuy nhiên, phần xây dựng thêm là cầu thang thoát hiểm, vẫn nằm trong đất của dự án, phù hợp với Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) sửa đổi, không gia tăng lợi ích cho chủ đầu tư. “Qua thực tế, quận đã kiến nghị một số vấn đề trong Kết luận 39”, đại diện quận Cầu Giấy nói.
Đối với các vi phạm trong cấp phép xây dựng; giấy phép xây dựng không có màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp cốt xây dựng không có cơ sở... Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, những tồn tại nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân khách quan, do thiếu các quy định đồng bộ trong lĩnh vực cấp phép xây dựng. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã nghiêm túc rút kinh nghiệm những nội dung trong Kết luận 39 chỉ ra.
KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, cần phải xây dựng một quy định riêng về việc xử lý những vi phạm liên quan đến quy hoạch, phát triển nhà cao tầng. Nếu tiếp tục xu hướng chuyển đổi đất nhà máy, đất công cộng thành cao ốc, chung cư thì Hà Nội sẽ còn nhiều tuyến đường đau khổ khác chứ không chỉ có tuyến Lê Văn Lương.