Đầy ắp đơn hàng
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vinatas), xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tháng 10 năm nay ước đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng trước và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến năm nay, xuất khẩu dệt may có thể đạt 44 tỷ USD, tăng gần 11,3% so với 2023.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu mặt hàng này năm nay ước đạt 25 tỷ USD, tăng gần 14,8%. Ngành dệt may dự kiến xuất siêu 19 tỷ USD, tăng xấp xỉ 7% so với xuất siêu năm 2023.
Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất hàng may mặc của Việt Nam, ước đạt hơn 16,7 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm ngoái. Thị trường này chiếm gần 38% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Tiếp đến là Nhật Bản với gần 4,6 tỷ USD, châu Âu hơn 4,3 tỷ USD, Hàn Quốc 3,9 tỷ USD, Trung Quốc 3,6 tỷ USD…
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, tính tới hết quý III, nhiều doanh nghiệp thuộc tập đoàn đã tiệm cận kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm, thậm chí vượt cả kế hoạch doanh thu cả năm.
Một số doanh nghiệp trong tập đoàn Công ty CP May Tiền Tiến đã có đơn hàng đến hết quý I/2025 và đang tiếp tục đàm phán cho cả năm 2025. Từ nay tới hết năm là cao điểm sản xuất hàng hóa phục vụ dịp Noel và năm mới, do đó các doanh nghiệp may mặc được khuyến cáo có thể lựa chọn đơn hàng phù hợp năng lực sản xuất.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex - đánh giá, xuất khẩu có sự phục hồi mạnh do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác.
"Dự kiến, đơn hàng may mặc trong quý IV năm nay và quý I/2025 sẽ tiếp tục dồi dào, tuy nhiên, đơn giá chưa cải thiện đáng kể. Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ cải thiện", ông Lê Tiến Trường cho hay.
Công ty Dệt may Thành Công cho biết, đã nhận khoảng 92% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV và khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024. Năm nay, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, Dệt may Thành Công đẩy mạnh nhóm sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế và có giá trị, nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Hiện tại, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng các thị trường còn nhiều dư địa, tìm kiếm thị trường mới, đồng thời đẩy mạnh thị trường nội địa.
Đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cán mốc 47 - 48 tỷ USD
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vinatas - đánh giá, kết quả tích cực của ngành dệt may đạt được trong thời gian qua nhờ tác động từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt xu hướng chuyển dịch đơn hàng, có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và dần đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.
Ông Giang dự báo tình hình sản xuất dệt may năm sau tương đối thuận lợi. Hiện, hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng quý I/2025 và đang đàm phán đơn hàng cho quý II/2025.
Tuy nhiên, vấn đề của các doanh nghiệp dệt may là đơn giá vẫn không tăng và các đơn hàng chủ yếu là nhỏ, đòi hỏi thời gian giao nhanh và yêu cầu khắt khe.
“Cách mua hàng của các đối tác thay đổi rất nhanh, có thể đơn hàng đã được đàm phán nhưng sau đó do sức tiêu thụ, sức mua của người tiêu dùng trên thị trường thế giới chững lại trong khoảng 1-2 tuần, họ sẵn sàng báo tạm dừng đơn hàng đã đặt mà chưa sản xuất”, ông Giang nói.
Chủ tịch Vinatas lưu ý, các doanh nghiệp cần áp dụng giải pháp về công nghệ, máy móc thiết bị, nhằm nâng cao năng suất lao động, giải pháp công nghệ là yếu tố tác động rất mạnh.
Với tiềm năng và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, Chủ tịch Vinatas nhận định trong năm 2025 vẫn có nhiều yếu tố tích cực cho dệt may Việt Nam. Mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đặt ra là kim ngạch đạt khoảng 47-48 tỷ USD.