Huyện Hương Khê là thủ phủ trồng cây dó trầm ở Hà Tĩnh, được trồng nhiều ở các xã Phúc Trạch, Hương Trạch. Từ những cây dó trầm, người dân sẽ chế tác ra nhiều loại sản phẩm thủ công khác nhau như: trầm cảnh, đồ mỹ nghệ, trang sức, các sản phẩm tâm linh…
Tại xã Phúc Trạch, có nhiều gốc dó trầm có tuổi đời hàng trăm năm, hai người ôm không xuể. Với những gốc dó trầm như vậy giá trị cao, mỗi gốc hàng trăm triệu đồng.
Sau khi dó trầm được khai thác, người dân bán cho những chủ xưởng làm đồ mỹ nghệ, hoặc làm tinh dầu trầm hương. Giá thành từng gốc tuỳ theo số lượng người mua tính toán lấy được bao nhiêu trầm hương trong đó.
Trầm hương là phần gỗ cây dó bầu chứa nhựa thơm, được kết thành từ những vị trí cây dó bầu bị kiến, sâu đục, gãy cành, hoặc do người dân tự đục tạo lỗ. Vì thế, trước khi chọn mua trầm, người dân phải khoét vỏ thân bên ngoài để biết số lượng trầm bên trong.
Sau khi cây dó được khai thác, người dân phải tỷ mỉ đẽo lớp vỏ phía bên ngoài. Sau đó dùng các loại đục, để xoi, xỉa những phần gỗ trắng ra để lại phần trầm có màu đen.
Công đoạn đẽo gỗ lấy trầm được xem là khó nhất, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề. Càng vào sát mạch trầm, người thợ lại càng phải nhẹ tay, để không phạm vào trầm.
Với những mạch trầm uốn lượn phải tỉ mẩn dùng cây móc nhỏ nạo từng chút gỗ. Gặp những khúc gió bầu lớn, mạch trầm phức tạp, nghệ nhân còn phải mất chục công để có khúc trầm cảnh đẹp.
Nguyễn Thị Tây (24 tuổi) nhưng đã có 10 năm làm nghề chế tác đồ mỹ nghệ từ trầm. “Trầm là những phần đen, có vân ở cây dó trầm, khi làm phải tỷ mỷ, cẩn thận. Trầm khi được chế tác xong làm đồ mỹ nghệ, xuất khẩu đi các nước, còn những phần mụn dăm tận dụng nấu lên để làm tinh dầu trầm hoặc làm nhang”, Tây cho hay.
Trầm hương có giá trị rất cao, mang lại thu nhập “khủng” cho người dân vùng quê Hương Khê.
Các loại dăm (xác xỉa) đều được tận dụng để chế tinh dầu, làm nhang, giá từ vài ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng mỗi kg.
"Đặc biệt tinh dầu trầm hương rất tốt, có thể chữa lành vết thương, phòng nhiễm khuẩn. Làm tinh dầu trầm hương cũng thủ công, người dân tự đun nấu, mỗi lít bán ra giá thời điểm hiện tại là 1 tỷ đồng/lít tinh dầu. Dù giá thành khá cao, nhưng làm ra chừng nào bán hết chừng đó", ông Phạm Anh Tuấn, trú huyện Hương Khê cho biết.
Trầm có thể làm đồ mỹ nghệ, đồ trang sức, hay làm tinh dầu. Không những vậy, nhiều cây dó trầm được đục, khoét tạo thành dáng cây để trang trí đặt trong bàn, hoặc nhà ở. Sản phẩm này rất được nhiều người ưa chuộng. Có những cây trầm sau khi chế tác để làm cảnh giá trị tiền tỷ.
"Thông thường trồng khoảng 10 năm là cây dó sẽ có trầm, khối lượng gỗ càng nhiều thì trầm sẽ nhiều. Trầm mà tự nhiên thì đắt hơn trầm tự tạo. Cây trầm dó không ưa ánh nắng trực tiếp, hợp với vùng đất khô ráo, không ưa nước", ông Lê Duy Ân (66 tuổi), trú huyện Hương Khê nói.
Theo giá thị trường, trầm thô chưa qua chế tác có giá 1kg 8 triệu đồng. Còn sau khi thành phẩm tuỳ theo khối lượng trầm và tuỳ theo khách để bán.
Giá trầm cảnh từ vài triệu, vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, tùy thuộc loại trầm, dáng cây, nhưng cũng còn tùy thời điểm, tùy người mua.
Nhiều khách hàng từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn thậm chí người nước ngoài cũng sẵn sàng chi cho những món trầm đắt tiền để đặt trong nhà lấy may hoặc mang đi biếu, tặng. Trong ảnh khối trầm hương được ông Tuấn rao bán với giá 1 tỷ đồng.
Cây dó trầm hơn 100 năm tuổi được chế tác thành cây trầm khô làm cảnh đặt ở trong nhà. Cây này được gia chủ tiết lộ bán với giá hơn 3 tỷ đồng.
Hoài Nam