Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) trao đổi, thống nhất với Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Công an và các bộ ngành liên quan làm rõ cơ sở pháp lý đối với sự vụ trên. Trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/10/2018.
Trước đó ngày 30/8, Bộ NN&PTNT có văn bản số 6792 báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Theo Bộ này, hiện nay đang có khoảng 70.000 m3 (1.000 container và 3.900m3) gỗ tròn và gỗ xẻ của hơn 30 doanh nghiệp nhập khẩu từ Cameroon đang bị lưu tại cảng Hải Phòng và hơn 50 container bị lưu giữ tại TPHCM do Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu không hợp lệ hoặc có dấu hiệu giả mạo.
Căn cứ quy định pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế, các lô gỗ nhập khẩu từ Cameroon nêu trên được xem không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu. Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 31 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật (phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, từ 6-10 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam các lô gỗ nhập khẩu này).
Theo giải trình của các doanh nghiệp, các lô gỗ nói trên đều được mua từ các đối tác Cameroon và hồ sơ giấy tờ đều do đối tác xuất khẩu cung cấp. Doanh nghiệp nhập khẩu không có chuyên môn và nghiệp vụ nên không thể phát hiện được Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật không hợp lệ hoặc có dấu hiệu giả mạo và khẳng định không thể tái xuất (đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam) đối với các lô gỗ này.
Với số lượng gỗ lớn như trên bị lưu giữ tại cảng sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa; chi phí lưu kho, bãi ước tính lên đến vài chục tỷ đồng; tác động lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp do thiếu nguyên liệu.
Căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tế, Bộ NN&PTNT đề xuất Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình được lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm theo quy định của Nghị định 31 kể trên.
Ngoài ra, Bộ này kiến nghị cho phép tiến hành kiểm dịch thực vật chặt chẽ các lô gỗ không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ và hiện đang lưu giữ ở cảng, nếu đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật Việt Nam thì cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu để làm thủ tục thông quan. Trường hợp lô gỗ bị phát hiện nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam sẽ bị xử lý theo quy định.
Theo giải trình của các doanh nghiệp, các lô gỗ nói trên đều được mua từ các đối tác Cameroon và hồ sơ giấy tờ đều do đối tác xuất khẩu cung cấp. Doanh nghiệp nhập khẩu không có chuyên môn và nghiệp vụ nên không thể phát hiện được Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật không hợp lệ hoặc có dấu hiệu giả mạo và khẳng định không thể tái xuất (đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam) đối với các lô gỗ này.