Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức năm 2023.
Theo dự thảo, nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2023 từ nguồn cải cách tiền lương đến hết năm 2022 chưa sử dụng hết. Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 được cấp có thẩm quyền giao.
Đối với bộ, cơ quan Trung ương, nguồn tăng lương cho cán bộ viên chức từ sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%.
Với địa phương, nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và điều chỉnh trợ cấp cán bộ xã đã nghỉ việc của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn sử dụng nguồn 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (không kể tăng thu khoản như thu tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định….)
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, giải pháp đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện chính sách tiền lương là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi. Sẽ cần khoảng 60.000 tỷ đồng cho phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở được Chính phủ trình Quốc hội, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Nghị quyết được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2022, từ ngày 1/7/2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Mức tăng này tương đương với 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng.
Có 9 nhóm đối tượng được tăng lương, gồm: Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang;
Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an thuộc Công an Nhân dân và người làm việc trong tổ chức cơ yếu.