Nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Trung Khánh - cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam - cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thuế, cả nước có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng bạc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Con số này chiếm đến 80-90% số đơn vị của ngành kinh doanh vàng bạc, cho thấy bước đầu đã kiểm soát được các đơn vị kinh doanh.
“Giờ đây, ngành thuế lại muốn phải chuyển khoản, không thanh toán bằng tiền mặt với các giao dịch mua bán vàng là không khả thi. Người tiêu dùng sẽ phản ứng đầu tiên, chứ không phải doanh nghiệp. Nếu mua số lượng vàng lớn hay mua vàng miếng SJC có thể áp dụng nhưng nếu chỉ mua nhỏ lẻ một chỉ vàng hay vàng nữ trang sẽ khó thực hiện bởi không phải ai cũng có tài khoản, thẻ tín dụng, đặc biệt là với người già mua vàng để tiết kiệm, tích lũy”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, trên thực tế, chưa có ngành kinh doanh nào áp dụng quy định thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn. “Tại sao lại muốn áp dụng với ngành vàng? Các nước trên thế giới cũng chỉ khuyến khích bớt sử dụng tiền mặt, chứ chưa có quốc gia nào đưa quy định 100% mặt hàng nào đó không được mua bán bằng tiền mặt”, ông Khánh nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay, ở Việt Nam người dân vẫn còn thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán, cho nên việc cấm dùng tiền mặt đối với bất kỳ giao dịch nào là điều không khả thi, kể cả là mua bán vàng.
“Hiện, các đối tượng mua vàng tại Việt Nam rất phong phú, có nhiều người là người già, người dân ở vùng nông thôn, họ mua vàng để tích trữ, phòng các trường hợp rủi ro, hoặc mua để biếu, tặng với số lượng nhỏ từ nửa chỉ đến một vài chỉ vàng và những đối tượng này thường không hiểu biết về công nghệ, không có điện thoại thông minh để giao dịch thanh toán bằng chuyển khoản nên việc cấm dùng tiền mặt là làm khó người dân”, ông Long nói.
Theo ông Long, đề xuất này chỉ phù hợp với những đối tượng mua vàng để đầu tư, mua với số lượng lớn. “Theo tôi, quy định thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch vàng từ 1 lượng vàng miếng SJC trở lên sẽ khả thi và phù hợp với bối cảnh hiện nay”, ông Long nói.
Cấm tác động đến thị trường
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, nếu bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng cũng không tác động nhiều đến thị trường, không khiến thị trường vàng trầm lắng hay giá vàng giảm xuống.
“Nếu dùng biện pháp hành chính bắt buộc trong thanh toán giao dịch vàng miếng không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát thị trường vàng, nó sẽ đi “ngầm” hết. Hơn nữa, việc kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ đang tiến tới ngành kinh doanh không có điều kiện, giờ lại đề xuất không dùng tiền mặt với giao dịch mua bán vàng là mâu thuẫn”, ông Khánh phân tích.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là đề xuất “nhảm nhí”. “Mua 1.000 lượng vàng hay 1 chỉ vàng thanh toán hình thức nào cũng được, bởi đây không phải là biện pháp quản lý thị trường vàng minh bạch và không khiến người dân mua vàng ít đi”, ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, việc cấm dùng tiền mặt trong mua bán vàng sẽ không giải quyết được vấn đề chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, cũng như nhập khẩu nguyên liệu, mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Cuối ngày 6/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 84,3 - 86,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 600.000 đồng/lượng so với đầu phiên giao dịch buổi sáng. Đây là mức cao nhất trong lịch sử, bất chấp có động thái đấu thầu vàng của cơ quan quản lý. Giá vàng nhẫn các thương hiệu vẫn quanh mốc 74, 75 triệu đồng/lượng. Hai tuần trở lại đây, giá vàng miếng SJC vẫn giữ xu hướng tăng và nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới và nhẫn tròn trơn trong nước. Mục tiêu đấu thầu vàng miếng để giảm chênh lệch giá trong nước với thế giới đang gặp thách thức khi các phiên gọi thầu của Ngân hàng Nhà nước liên tục thất bại do doanh nghiệp không mặn mà tham gia.