Có thể nói nội dung chính của Dự thảo Thông tư đang có ý muốn tách bạch các khoản cho vay tiêu dùng được giải ngân trực tiếp cho người có nhu cầu vay vốn, thông qua hình thức giải ngân bằng tiền mặt hoặc giải ngân vào tài khoản ngân hàng của người đi vay và những khoản vay được giải ngân gián tiếp như vay mua xe máy, mua hàng điện máy, điện lạnh… Đối với những khoản vay được giải ngân gián tiếp, các công ty tài chính sẽ giải ngân trực tiếp cho bên bán hàng và không giải ngân cho người đi vay.
Tuy nhiên, điểm mới của Dự thảo Thông tư quy định các công ty tài chính chỉ được cho vay bằng hình thức giải ngân trực tiếp đối với những khách hàng vay có lịch sử tín dụng tốt và không có nợ xấu theo thông tin trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) tại thời điểm ký hợp đồng cho vay và giải ngân. Như vậy có thể hiểu rằng, nếu Dự thảo Thông tư này có hiệu lực, thì theo quy định pháp luật, những khách hàng chưa có lịch sử tín dụng nếu có nhu cầu tiêu dùng thì sẽ phải mua hàng hóa và dịch vụ từ các đơn vị đã hợp tác với các công ty tài chính hoặc đề nghị cấp thẻ tín dụng để thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Dự thảo Thông tư cũng đề xuất tỉ trọng cho vay tiền mặt hoặc giải ngân vào tài khoản ngân hàng của người đi vay không được vượt quá 30% tổng số dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính.
Khi nhìn vào thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam, hầu hết người dân đang sử dụng tiền mặt trong giao dịch mua bán và chỉ sử dụng thẻ tín dụng vào một số ít giao dịch hàng hóa và dịch vụ trong việc thanh toán hàng ngày. Sau khi Dự thảo Thông tư có hiệu lực, những người chưa có lịch sử tín dụng chỉ có thể mua một vài chủng loại hàng hóa nhất định tại những đơn vị liên kết với các công ty tài chính hoặc phải sử dụng thẻ tín dụng ở những đơn vị kinh doanh có chấp nhận thẻ tín dụng, và những hạn chế như vậy sẽ tạo nên một số điểm bất cập.Số lượng thẻ tín dụng được phát hành tính đến thời điểm hiện tại là không nhiều, ước tính đến cuối năm 2018 chỉ có 4,6 triệu thẻ, trong đó có một số lượng không nhỏ thẻ tín dụng không được sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng ngay cả ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội cũng không cao, chỉ tập trung vào một số trung tâm thương mại, còn tại các khu vực nông thôn, tỉ lệ các điểm bán hàng cho phép giao dịch bằng thẻ tín dụng là rất thấp.Bên cạnh đó cũng cần phải hiểu rõ hơn về mô hình kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là về những đóng góp tích cực trong việc đẩy lùi thị trường tín dụng đen. Phải nhìn nhận một thực tế rằng sự hạn chế của các ngân hàng trong khả năng đáp ứng được số lượng lớn người dân có nhu cầu vay vốn đối với những khoản vay cá nhân, nhỏ lẻ, và thời gian xét duyệt khoản vay khó có thể nhanh chóng như thị trường tín dụng đen. Mà có thể nói công ty tài chính được đầu tư về hệ thống công nghệ và khả năng xử lý dữ liệu đủ để có thể đáp ứng được nhu cầu trên, và hình thành nên hệ thống cung cấp tài chính tiêu dùng nhanh chóng, và cũng là công cụ mạnh mẽ và hữu hiệu trong việc đẩy lùi tín dụng đen.
Hiện tại tất cả các công ty tài chính trên thị trường đều có giấy phép hoạt động tín dụng, được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật được ban hành bởi ngân hàng nhà nước, có địa điểm hoạt động rõ ràng, và quy trình thẩm định minh bạch. Ngoài ra còn có các bộ phận chăm sóc khách hàng là bộ phận chuyên trách để tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, khiếu nại và yêu cầu chính đáng của khách hàng, hơn nữa, vì là một pháp nhân được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam, nên khách hàng có quyền khởi kiện ra tòa trong trường hợp công ty tài chính đưa ra cách giải quyết không thỏa đáng những yêu cầu của khách hàng.Khi đưa ra Dự thảo Thông tư trên, có thể hai khía cạnh sau chưa được xem xét kỹ lưỡng:
Thứ nhất, trước khi có sự gia nhập thị trường tín dụng của các công ty tài chính, tín dụng đen đã diễn ra sôi nổi, và hoàn toàn lấn lướt các tổ chức tín dụng như ngân hàng trong nước về hình thức cho vay cá nhân. Tại thời điểm trước năm 2007, hệ thống thông tin liên lạc, mạng xã hội, các kênh giao tiếp không được phát triển như hiện nay, hầu như xã hội khó có thể nhận biết được sự hoành hành của thị trường tín dụng đen. Sau khi các công ty tài chính ra đời, cung cấp nhiều loại sản phẩm tài chính linh hoạt đáp ứng nhu cầu của người dân, với quy trình phê duyệt khoản vay nhanh chóng, minh bạch, người dân đã có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống và đã lựa chọn các công ty tài chính thay cho việc đến với tín dụng đen.
Thứ hai, hiện nay, quy mô về dư nợ tiêu dùng của các công ty tài chính dù phát triển khá nhanh nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế Việt Nam, tổng dư nợ tiêu dùng của các công ty tài chính vào thời điểm cuối năm 2018 chỉ là 110.000 tỷ đồng, chiếm 8% dư nợ tín dụng của nền kinh tế, nhưng ngay khi Dự thảo Thông tư có hiệu lực, hầu hết các công ty tài chính lại phải giảm quy mô dư nợ xuống thấp hơn nhiều so với hiện nay. Với con số được ước tính, 80% dư nợ tiêu dùng là các khoản vay giải ngân trực tiếp và 20% thuộc về giải ngân gián tiếp, để duy trì được quy mô dư nợ tiêu dùng như hiện nay, các công ty tài chính bắt buộc phải tiếp tục mở rộng liên kết với các đơn vị kinh doanh lên gấp ba bốn lần như hiện nay, và đây là điều hầu như không có tính khả thi đối với hệ thống các công ty tài chính tiêu dùng. Chính việc này có thể dẫn đến sự nhường sân cho thị trường tín dụng đen phát triển mạnh mẽ, và là điều hoàn toàn có thể dự báo trước. Do đó, thay vì bám sát tinh thần của Dự thảo Thông tư đề ra với mục đích chính là tạo điều kiện pháp lý mạnh mẽ để đẩy lùi tín dụng đen, vô hình chung Dự thảo Thông tư lại tạo điều kiện thuận lợi cho tín dụng đen được phát triển mạnh mẽ trở lại.
Thiết nghĩ, thay vì đưa ra các biện pháp làm giảm mạnh quy mô hoạt động của các công ty tài chính, chính phủ và ngân hàng nhà nước cũng nên có hướng thành lập các tổ chức có chức năng riêng biệt để thực hiện các biện pháp bảo vệ người đi vay, tiếp nhận và xử lý các trường hợp người đi vay cần được tư vấn thông tin pháp lý về tín dụng tiêu dùng để có sự thuận lợi trong việc ký kết và thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với các hợp đồng tín dụng, và nhất là được pháp luật bảo vệ trong trường hợp không còn có đủ năng lực tài chính để hoàn trả lại các khoản nợ đã vay.