Trên nhiều công trường lớn như thi công dự án thủy điện Xêkaman 3 công suất 250 Mw tại huyện ĐăkChưng, tỉnh Sê Kông thi công trên địa bàn hẻo lánh, không có đường điện, không thông tin liên lạc, thời tiết mưa bão quanh năm, đường giao thông từ biên giới Việt Nam (địa phận Quảng Nam) sang đất Lào bị tắc nghẽn do mưa lũ sạt lở, vật tư, thiết bị, lương thực, thực phẩm vận chuyển đến được địa điểm thi công thường xuyên thiếu và chậm, công trình vẫn hoàn thành mục tiêu quan trọng, tổ chức ngăn sông Nậm PagNou đúng tiến độ (tháng 12/2007).
Theo chương trình đã ký kết bản ghi nhớ tại Thủ đô Viên Chăn giữa Công ty với Chính phủ Lào và việc xin phép triển khai xây dựng các dự án TĐ Xêkaman 1 và Xêkaman 4 (công suất trên 500 Mw) Cty Điện Việt Lào đã làm các thủ tục trình và được phê duyệt, cấp giấy phép đầu tư xây dựng.
Cty triển khai xong công tác khảo sát, thiết kế, tiến hành phát tuyến, cải tạo và làm đường mới từ Quốc lộ 18B đoạn giữa khoảng cách từ cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum) đi tỉnh lỵ A Tô Pư.
Theo Ban Quản lý Dự án Xêkaman 1, các lực lượng xây dựng của các Cty Sông Đà 3, Sông Đà 4, Sông Đà 9, Sông Đà 10, Sông Đà 11, Sông Đà 19 và Cty Xi măng Sông Đà - Yaly đang khẩn trương san ủi, bốc xúc, lu lèn đất đá làm đường giao thông nội bộ, xây dựng lán trại, bắc cầu tạm và tập trung san ủi mặt bằng tại trung tâm dự án để tiến hành tổ chức lễ khởi công công trình Xêkaman 1 vào cuối tháng 12 này.
Sau nhiều năm thâm nhập để khai thác tiềm năng nguồn nước các dòng sông Nậm PagNou, Xêkaman và sông Sê Kông, đồng thời tạo mối quan hệ mật thiết giữa Tổng Cty Sông Đà với các ngành chức năng của Lào; Cty CP Điện Việt Lào đã lập dự án đầu tư tại đây 7 nhà máy thủy điện gồm Xêkaman 1, 3, 4, và Xêkaman 5 cùng với các dự án TĐ Nậm Mô, Nậm Kắn, tổng công suất từ 1.000 Mw đến 1.200 Mw.
Từ nay đến năm 2012, những dự án này sẽ được đưa vào khai thác. Phía trước là mục tiêu chiến lược đã được hoạch định, những dự án lớn đầy tính khả thi đang được xúc tiến sẽ là sự thử thách lớn về tiềm lực, trí tuệ và sự tự tin của Cty CP Điện Việt Lào.
Ông Nguyễn Thăng Long – Tổng Giám đốc Cty cho biết: Đơn vị là DN quản lý các dự án (là người đem tiền đi đầu tư) nên khác và khó hơn nhiều so với các đơn vị thi công, xây lắp. Đã thế lại làm việc ở nước ngoài nên mọi thủ tục, quan hệ ngoại giao gặp trở ngại hơn khi đầu tư trong nước.
Theo ông Long, việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, học vấn, kiến thức hiểu biết, công tác ngoại giao cho cán bộ quản lý dự án đang là mối quan tâm hàng đầu, Cty có kế hoạch tập huấn trong thời gian sớm nhất.
Mục tiêu trước mắt là tiến hành ngay đổ 30.000 m3 bê tông hố móng, đắp đập để chống lũ cho TĐ Xêkaman 3 sau khi ngăn sông thắng lợi; một việc quan trọng song hành là tiến đến khởi công xây dựng dự án TĐ Xêkaman 1 công suất 300Mw tại huyện San Say, tỉnh Atô Pơ.
Công ty cũng phải tuyển dụng, đào tạo từ 100 - 150 kỹ sư, công nhân vận hành kịp phục vụ cho nhà máy khi tổ máy 1 TĐ Xêkaman 3 hoàn thành phát điện vào đầu năm 2009.